VN-Index và VN30 'đỏ lửa', phái sinh bất ngờ lấy lại sắc xanh
So với phiên sáng, thị trường chứng khoán không ghi nhận nhiều biến động trong chiều ngày 21/4. VN-Index đóng cửa tại mức 1.207,07 điểm, giảm hơn 12 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản trên sàn HoSE sự sụt giảm nhẹ so với tuần trước, đạt trên 18.600 tỷ đồng.
Trong khi thị trường cơ sở còn “đỏ lửa”, thị trường phái sinh đã lấy lại sắc xanh. Chỉ số hợp đồng tương lai VN30F1M tăng 1 điểm so với tham chiếu, lên 1.291 điểm. Sự phục hồi này càng làm gia tăng mức độ chênh lệch giữa thị trường phái sinh và cơ sở. Đây là một tín hiệu đáng lưu tâm, bởi thông thường, hai chỉ số này hiếm khi diễn biến trái chiều.
Sự phục hồi của chỉ số phái sinh cũng nằm ngoài dự đoán của Chứng khoán Pinetree. Trong bản tin phái sinh công bố đầu phiên chiều 21/4, công ty này đánh giá nhiều khả năng VN30F1M sẽ có diễn biến không mấy tích cực do tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, cùng với áp lực bán gia tăng ở nhóm Vingroup. Chứng khoán Pinetree cũng chỉ ra rằng, thị trường ghi nhận không ít cổ phiếu quay đầu giảm điểm bất chấp kết quả kinh doanh khả quan, phản ánh tâm lý thị trường đang yếu và có phần hoài nghi trước mùa báo cáo tài chính quý I.
So với phiên sáng, rổ VN30 có thêm 4 mã tăng giá và 1 mã đứng giá. Theo đó, số lượng cổ phiếu giảm điểm giảm xuống còn 19 mã.

Trong số này, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – Công ty CP ghi nhận diễn biến tiêu cực nhất khi giảm kịch biên độ. Đáng nói, đây là phiên nằm sàn thứ 2 liên tiếp của mã này. So với vùng đỉnh 74.400 đồng/cp vào phiên 15/4, VIC đã mất 17%.
Nhìn lại dữ liệu quá khứ, có thể thấy diễn biến của cổ phiếu VIC đang có nét tương đồng với giai đoạn tháng 8/2023. Thời điểm đó, mã này đã lao dốc và xuyên “thủng” nền giá sau khi đạt đỉnh, khiến nhà đầu tư kẹt hàng trong thời gian rất dài.
Ngoài VIC, còn một số cổ phiếu khác cũng giảm trên 2%, gây áp lực lên chỉ số chung như GVR, BVH, LPB, VJC.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu STB và SHB là mã nổi bật nhất trong nhóm VN30 khi cùng nhau bứt phá và vượt đỉnh. Thậm chí, STB có thời điểm đã chạm trần trong phiên chiều nay. Việc vượt đỉnh đi kèm với thanh khoản cao cho thấy động lực tăng giá của hai cổ phiếu này vẫn còn tiềm năng duy trì trong những phiên tới.
Tuy nhiên, xét chung cả nhóm “cổ phiếu vua”, có thể thấy, dòng tiền đã có sự phân hóa rõ rệt. Trái ngược với SHB và STB, các cổ phiếu LPB, BID, ACB, MBB, VPB đồng loạt giảm từ 1% - 2%.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận diễn biến kém tích cực khi chỉ duy nhất TCI giữ được sắc xanh. Các mã đầu ngành như HCM, SSI, VND, VDS, VIX, FTS... đồng loạt giảm mạnh từ 2% đến 6%. Dù ngày hệ thống KRX “go-live” đang cận kề và những thông tin tích cực liên tục được tung ra nhưng dòng tiền dường như vẫn còn khá “thờ ơ” với nhóm cổ phiếu này.
Tại nhóm bất động sản, cổ phiếu NVL nổi trội hơn hẳn khi đóng cửa trong trạng thái tím trần. Tình trạng phân hoá tiếp tục duy trì, khi QCG, L14, TCH,… tăng nhẹ từ 1% - 2,5%, còn DIG, HDC, DXG, CEO,... giảm từ 1% - 3%.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước đẩy mạnh gom FPT (+157 tỷ đồng), VIC (+153 tỷ đồng), SHB (66 tỷ đồng),...Chiều ngược lại, nhóm này lại bán ra HCM (-136 tỷ đồng), TPB (-55 tỷ đồng), VNM (-41 tỷ đồng),... Tính chung, khối ngoại mua ròng hơn 172 đồng trong phiên hôm nay.
Xét về mặt kỹ thuật, VN-Index hiện vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tại mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, việc thanh khoản suy giảm trong phiên hôm nay cho thấy tâm lý lưỡng lự đang hiện hữu.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động tích lũy trong vùng 1.165 – 1.185 đến 1.245 – 1.255 điểm. Đây được xem là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục dựa trên thông tin kết quả kinh doanh quý I và mùa ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp niêm yết. Với hoạt động giao dịch ngắn hạn (T+), BVSC cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế khi thị trường xuất hiện nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh trong phiên.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn