VN-Index về sát vạch xuất phát, thị trường vẫn xuất hiện nhiều "ngôi sao"

VN-Index về sát vạch xuất phát, thị trường vẫn xuất hiện nhiều "ngôi sao"

Sau 2 phiên khởi sắc đầu tháng 6, dòng tiền tiếp tục giao dịch sôi động và luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành, đã giúp chỉ số VN-Index thử thách thành công mốc 1.290 điểm trong phiên sáng 5/6 dù thị trường đã phát đi những tín hiệu về vùng cản lớn này.

Bước sang phiên giao dịch, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khiến thị trường chững lại. Chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái giao dịch của cuối phiên sáng và bắt đầu rung lắc quanh ngưỡng 1.290 điểm.

Sau khoảng 1 giờ mở cửa, bên bán dường như dần mất kiên nhẫn, đã gia tăng áp lực lên thị trường, khiến số mã giảm điểm chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HOSE có 189 mã tăng và 236 mã giảm, VN-Index tăng 0,83 điểm (+0,06%), lên 1.284,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 925 triệu đơn vị, giá trị 24.088,6 tỷ đồng, giảm 1,15% về khối lượng nhưng tăng 1,5% về giá so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 114,9 triệu đơn vị, giá trị 2.667,68 tỷ đồng.

Nhóm VN30 trở nên phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng, đóng cửa chỉ số nhóm này giảm nhẹ 1,3 điểm về dưới mốc 1.300 điểm. Trong đó, cổ phiếu SAB vẫn là động lực của thị trường khi đóng góp hơn 1,4 điểm cho chỉ số chung và kết phiên giữ vững đà tăng trần với thanh khoản đạt xấp xỉ 2,9 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, VNM cũng ấn tượng khi đóng cửa vẫn tăng mạnh 3,8%, đã đóng góp 1,33 điểm cho chỉ số chung với thanh khoản bùng nổ, đạt gần 11,9 triệu đơn vị. Đồng thời đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh, đạt hơn 116 tỷ đồng.

Trái lại, MWG tiếp tục lùi sâu, đóng cửa giảm 2,8% xuống mức 62.000 đồng/CP và khớp lệnh 13,78 triệu đơn vị, là cổ phiếu có sức ép lớn nhất thị trường khi lấy đi 0,63 điểm của chỉ số chung.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi cổ phiếu POW chịu áp lực chốt lời và đảo chiều giảm 1,8%, thì thị trường xuất hiện “ngôi sao” mới là BCG. Trái với diễn biến chung của thị trường, lực cầu hấp thụ mạnh mẽ đã giúp BCG có thời điểm khoác áo tím.

Đóng cửa, BCG tăng 4,3% lên mức 9.910 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường lên tới gần 30 triệu đơn vị, đồng thời đây cũng là mã được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất về khối lượng, với gần 2 triệu đơn vị.

Ngoài BCG, các thành viên khác trong họ là TCD và BCR cũng lần lượt khởi sắc trong phiên chiều và có những thời điểm tăng gần hết biên độ. Đóng cửa, TCD tăng 2,8%, còn BCR tăng 6,3%.

Xét về nhóm ngành, với cặp đôi cổ phiếu bia là SAB và BHN cùng tăng kịch trần, nhóm thực phẩm – đồ uống đã dẫn đầu thị trường với mức tăng gần 3%. Theo sát là nhóm bảo hiểm tăng 2,15% với BVH tăng hơn 3%, MIG tăng 6,62%, BMI tăng 1,5%...

Còn lại các nhóm công nghệ thông tin, chứng khoán, tài chính khác, bất động sản… chỉ có được mức tăng nhẹ chưa tới 0,5%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn là nhóm giảm mạnh nhất thị trường bởi các mã MWG, PNJ, FRT đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng quay ra điều chỉnh nhẹ khi hàng loạt mã như CTG, MBB, VPB, HDB, STB, ACB đều mất điểm.

Trên sàn HNX, sự đảo chiều của nhóm HNX30 cũng khiến thị trường lùi về sát vạch xuất phát.

Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,07%) lên 244,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,7 triệu đơn vị, giá trị 1.810,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,77 triệu đơn vị, giá trị 74,47 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đã đảo chiều giảm nhẹ, với sự đóng góp của DVM giảm 3,9%, PVC giảm 2,4%, DXP và LAS cùng giảm 2,2%...; trái lại cặp đôi NTP và TDN vẫn tăng mạnh gần hết biên độ, tương ứng tăng 9,8% và 8,4%.

Trong đó, cổ phiếu SHS đảo chiều giảm nhẹ 0,5% xuống mức 18.500 đồng/CP, với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 11,72 triệu đơn vị. Các mã CEO, PVS, TNG, HUT cũng ghi nhận mức giảm trên dưới 1, với thanh khoản đạt 4-5,3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bộ 3 cổ phiếu nhà APEC trở lại đường đua. Đóng cửa, IDJ và API đều đứng ở mức giá trần với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 6,53 triệu đơn vị và 2,43 triệu đơn vị; còn APS tăng 6,3% và khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.

Xét theo nhóm ngành, nhóm than đang là điểm sáng mới của thị trường. Bên cạnh TDN tăng mạnh, các mã khác trong nhóm than như TC6 và KSQ cùng tăng kịch trần, NBC tăng 3,7%, TVD tăng 1,5%, TMB và MDC cùng tăng hơn 1,5%...

Trên UPCoM, thị trường không có nhiều biến động.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,48%), lên 97,46 điểm với 178 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,5 triệu đơn vị, giá trị 1.227,86 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận có thêm 27,67 triệu đơn vị, giá trị 488,66 tỷ đồng, trong đó LSG thỏa thuận gần 11,5 triệu đơn vị, giá trị 148,88 tỷ đồng; VAB thỏa thuận 12,75 triệu đơn vị, giá trị 114,73 tỷ đồng; VNZ thỏa thuận 0,35 triệu đơn vị, giá trị 175,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với hơn 9,31 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 23.300 đồng/CP.

Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động tiếp theo đều khởi sắc, với VGT tăng 4,3%, VEA tăng 2,5%, BCR tăng 6,3%, AAH tăng 3,5%, thanh khoản đạt trong khoảng 3-7 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, 4 hợp đồng tương lai đều biến động nhẹ, trong đó VN30F2406 đứng giá tham chiếu 1.295 điểm, khớp lệnh 202.210 đơn vị, khối lượng mở 56.585 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2327 có thanh khoản tốt nhất đạt 2,03 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 8% xuống mức 230 đồng/cq; tiếp theo là CMWG2314 khớp 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,4% xuống 1.610 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn