VN-Index vượt 1.300 điểm, rồi sao nữa?
Chứng khoán Yuanta vừa đưa ra nhận định về triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán với điểm nhấn tình hình kinh tế tháng 5 có nhiều cơn gió ngược như lãi suất liên ngân hàng tăng, áp lực tỷ giá tăng, giá vàng lên đỉnh kỷ lục,… nhưng vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực trong những tháng tới khi những cơn gió ngược này đã yếu dần trong 10 ngày cuối tháng 5 và tình hình đã tích cực hơn ngay trong những ngày đầu tháng 6.
Các số liệu về tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới ngày càng rõ ràng hơn. Kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, mặc dù tình trạng nhập siêu bất ngờ xuất hiện trong tháng 5 nhưng là do nhập khẩu tăng mạnh chứ xuất khẩu vẫn tăng tốt.
Số đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng và các nền kinh tế lớn cũng đang trên đà hồi phục, điều này hoàn toàn hợp lý khi nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất khi nhu cầu trong nước và thế giới hồi phục. Yuanta kỳ vọng xuất siêu sẽ quay lại sớm trong thời gian tới, theo đó, giảm áp lực trực tiếp lên tỷ giá và gián tiếp lên mặt bằng lãi suất ngân hàng. Dòng vống FDI khi các dự án lớn quay lại sẽ góp phần hỗ trợ thêm cho câu chuyện này.
Lĩnh vực sản xuất cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhất là đối với lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo và Sản xuất điện. Các doanh nghiệp vẫn lạc quan vào sản lượng sản xuất sẽ hồi phục trong 12 tháng tới mặc dù đa phần vẫn giữ trạng thái “phòng thủ” hơn là “tấn công” mở rộng. Theo đó, con đường hồi phục là vẫn tiếp tục mặc dù sẽ cần thêm thời gian để các điều kiện vĩ mô cải thiện rõ ràng hơn.
Đối với hoạt động đầu tư, trong khi nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt mặc dù có chậm hơn do thiếu các dự án lớn đăng ký mới trong tháng 5, nguồn vốn đầu tư công trong nước cũng được đẩy mạnh tích cực, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5T2024 ước đạt 190.600 tỷ đồng, đạt 26,6% kế hoạch 2024 và tăng 5% (cùng kỳ 5T2023
giải ngân đạt 24,8% kế hoạch năm và tăng 21,5% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, lạm phát mặc dù vẫn tăng nhẹ trong tháng 5 nhưng triển vọng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới, theo đó, áp lực lên mặt bằng lãi suất cũng sẽ giảm trong thời gian tới. Giá vàng sau những biện pháp của Chính phủ hiện đã hạ nhiệt và giảm mạnh mức độ chênh lệch với giá vàng thế giới, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cũng ổn định đi ngang cho thấy các rủi ro vĩ mô nhìn chung không lớn.
Nhìn chung, những tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu dùng trong, ngoài nước cũng như sự hồi phục của hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tốt hơn. Các yếu tố vĩ mô sau nhiều cơn gió ngược trong tháng 5 thì đã giảm lại, nhiều yếu tố như lãi suất, tỷ giá đã đảo chiều khi nước sang đầu tháng 6. Yuanta cho rằng quá trình hồi phục sẽ tích cực hơn trong tháng 6.
Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 4,3% so với tháng 04/2024 và đồ thị giá tăng về gần mức cao nhất trong năm. Đồng thời, khối lượng giao dịch tăng. Điểm tích cực là thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực trong dài hạn. Ngoài ra, xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
Áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng lạm phát vẫn trong chu kỳ giảm, đồng USD hạ nhiệt. Tuy nhiên, lãi suất USD vẫn đang neo ở mức cao, trong khi đó các NHTW tại châu Âu và Canada đã bắt đầu giảm lãi suất, điều này đặt ra sự kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất trong thời điểm 6 tháng cuối năm nhằm hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế.
"Thị trường chứng khoán trong tháng 06/2024 sẽ có sự phân hóa và chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng, nhưng nếu chỉ số VN30 vượt được mức 1.310 điểm thì xu hướng tăng sẽ rõ ràng hơn và dòng tiền có thể quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó, các nhà đầu tư nên chú ý vào việc lựa chọn cổ phiếu trong danh mục và vẫn ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong dài hạn", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.
Xem thêm tại vneconomy.vn