Bất động sản, chứng khoán tưng bừng kéo VN-Index bật tăng gần 30 điểm

Đa số các cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành tăng điểm tích cực ngay từ phiên sáng 16/8 với sức mua áp đảo. Đây là một diễn biến khá bất ngờ bởi trước đó thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên thanh khoản sụt giảm liên tiếp.

Chốt phiên giao dịch 16/8, chỉ số VN-Index tăng 28,67 điểm (tương đương tăng 2,34%) lên 1.252,23 điểm. Chỉ số HNX-Index và Upcom-Index cũng tăng mạnh. Thanh khoản trên HoSE đạt 22.730 tỷ đồng và trên HNX đạt 1.716 tỷ đồng, tăng gấp khoảng 2 lần so với phiên liền trước.

Loạt cổ phiếu bất động sản tiếp tục hồi phục và bứt phá trong phiên 16/8. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt tăng mạnh trở lại. Vingroup (VIC) tăng 350 đồng lên 41.150 đồng/cp; Vinhomes (VHM) tăng 550 đồng lên 38.400 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) tăng 500 đồng lên 18.300 đồng/cp.

Một số mã địa ốc khác cũng tăng ấn tượng. DIC Corp. (DIG) tăng trần thêm 1.550 đồng lên 23.750 đồng/cp. Novaland (NVL) cũng tăng hết biên độ cho phép, thêm 750 đồng lên 11.950 đồng/cp.

Cổ phiếu Đất Xanh (DXG) của Chủ tịch Lương Ngọc Huy (thay ông Lương Trí Thìn hồi đầu tháng 7) cũng tăng trần thêm 900 đồng lên 14.100 đồng/cp. Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt cũng tăng hết biên độ thêm 1.200 đồng lên 18.800 đồng/cp.

Nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp, xây dựng… cũng tăng trần hoặc sát trần như: Viglacera (VGC) tăng 2.800 đồng lên 43.100 đồng/cp; Phát triển đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm tăng 1.700 đồng lên 26.600 đồng/cp…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thi nhau bứt phá. Chứng khoán SSI (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng tăng 1.800 đồng lên 32.700 đồng/cp. VNDirect tăng 750 đồng lên 15.000 đồng/cp… AGR, BSI, FTS, VDS… tăng trần.

Tiếp theo là nhóm ngân hàng cũng diễn biến tích cực và góp phần đẩy chỉ số VN-Index lên. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 500 đồng lên 88.100 đồng/cp, BIDV (BID) tăng 850 đồng lên 47.500 đồng/cp, MBBank (MBB) tăng 800 đồng lên 24.050 đồng/cp…

ck2024Aug16.gif
Cổ phiếu bất động sản và chứng khoán tăng tưng bừng. Ảnh: FPTS

Nhiều chuyên gia đến từ một số công ty chứng khoán cũng khá bất ngờ về cú quay đầu tăng điểm mạnh của chỉ số VN-Index trong phiên 16/8. Theo đó, họ chưa thấy có lý do đủ mạnh để giúp thị trường có một phiên tăng bứt phá như hôm nay.

Tuy nhiên, trên thực tế ngoài việc giá nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh và xuất hiện lực cầu bắt đáy, thị trường cũng ghi nhận một số thông tin tích cực, tác động tốt tới tâm lý vốn bất an của nhiều nhà đầu tư trong thời gian gần đây.

Trước hết đó là việc các thị trường chứng khoán quốc tế đã ổn định sau đợt giảm sâu và hồi phục khá mạnh. Trong phiên 15/8 (kết thúc rạng sáng 16/8 giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ - S&P 500 tăng phiên thứ 6 liên tiếp, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 550 điểm.

Các nhà đầu tư trên thế giới lấy lại niềm tin vào nền kinh tế Mỹ sau khi nước này công bố dữ liệu lao động và tiêu dùng đáng khích lệ, qua đó giúp xoa dịu lo ngại về suy thoái kinh tế. Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng tăng mạnh, chỉ sô Nasdaq Composite tăng thêm 2,34% trong phiên 15/8, giúp xóa bớt những nghi ngại về một cú sụp đổ của cổ phiếu nhóm ngành này.

Thị trường chứng khoán châu Á hôm 16/8 cũng diễn biến tích cực và đang tiến tới một tuần tăng điểm mạnh nhất trong hơn một năm qua. Chứng khoán Nhật tăng mạnh khi đồng yen suy yếu trở lại và có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Còn với Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này gần đây cam kết sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Trong nước, tỷ giá USD/VND đang ổn định và có xu hướng giảm trở lại về ngưỡng 25.250 đồng/USD (giá bán USD tại Vietcombank), sau khi lên mức 25.485 đồng/USD hồi cuối tháng 4. USD trên thị trường quốc tế giảm mạnh, với chỉ số DXY xuống mức 102,9 điểm, so với mức 106,25 điểm hồi cuối tháng 4.

Trên thị trường ngân hàng, đà tăng lãi suất tiết kiệm chững lại. Một số ngân hàng quay đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đây cũng là tín hiệu cho thấy dòng tiền có thể bớt chảy vào kênh ngân hàng.

Giới đầu tư cũng đang kỳ vọng khi Mỹ giảm lãi suất, tỷ giá USD/VND sẽ giảm hơn nữa. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khối ngoại gần đây đảo chiều mua ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn