Đèo Cả: Dự án hạ tầng 75.000 tỷ đồng - nút giao 3 tầng ở cửa ngõ TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai gặp nhiều khó khăn

Cập nhật tình hình dự án Vành đai 3 TPHCM, Đèo Cả Group cho biết gói thầu XL1 thuộc dự án đường do Tập đoàn đứng đầu liên danh nhà thầu thi công hiện đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện.

Dự án Vành đai 3 TPHCM đi qua 4 địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Vành đai 3 có chiều dài hơn 76km, với tổng mức đầu tư dự án hơn 75.300 tỷ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Gói thầu XL1 – Thi công xây dựng nút giao Tân Vạn đoạn từ Km25+990 đến Km28+383 thuộc dự án thành phần 5 của dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương. Gói thầu có giá trị hơn 1.830 tỷ đồng, khởi công ngày 31/5/2024 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2026.

Nút giao Tân Vạn ở địa bàn TP Dĩ An, Bình Dương, kết nối các tuyến Quốc lộ 1, Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây cũng là nút giao lớn và có kỹ thuật phức tạp nhất trong 6 nút giao thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM. Công trình gồm tuyến chính Vành đai 3 băng qua nút giao (4 làn xe), nhánh rẽ trái xuống Quốc lộ 1, nhánh theo hướng từ Bình Chuẩn đi cầu Đồng Nai.

Hồi tháng 4 năm nay, gói thầu xây dựng nút giao này (giai đoạn một) được Bình Dương khởi công. Liên danh 7 công ty trúng thầu gồm: Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Xây dựng Đèo Cả, CTCP Xây lắp thương mại Delta, CTCP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam, CTCP Xây dựng và đầu tư 492, CTCP Hải Đăng, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG). Ngay sau khởi công, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động nhân sự, máy móc thiết bị để triển khai thi công cọc khoan nhồi, bãi đúc dầm và văn phòng điều hành.

Năng lực các doanh nghiệp trong liên danh đều là những nhà thầu mạnh và đã huy động máy móc thiết bị, nhân sự đáp ứng đủ điều kiện để triển khai các mũi thi công đồng loạt. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu chỉ mới nhận bàn giao mặt bằng khoảng 56.637m2/177.857m2, đạt tỷ lệ gần 32%.

Ban điều hành gói thầu XL1 cho biết, dù mặt bằng đã nhận khoảng gần 32% nhưng nhiều vị trí bàn giao “xôi đỗ” khiến công tác tập kết máy móc thiết bị tiếp cận hiện trường gặp khó. Bên cạnh đó, phần lớn tài sản trên đất chưa được di dời và một số hệ thống hạ tầng nổi, ngầm chưa xác định được đơn vị nào quản lý, vì thế không thể đẩy nhanh sản lượng thực hiện.

Đèo Cả: Dự án 75.000 tỷ đồng - nút giao 3 tầng ở cửa ngõ TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai gặp nhiều khó khăn
Phối cảnh nút giao Tân Vạn trên vành đai 3 TP.HCM

Trước những vướng mắc về mặt bằng, ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc Đèo Cả chỉ đạo ban điều hành gói thầu XL1 ưu tiên tập trung máy móc triển khai thi công tại các vị trí đã có mặt bằng sạch. Đồng thời, ban điều hành cần tích cực phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất địa phương và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn