Theo Báo cáo tài chính quý II/2024 của DHB, doanh thu thuần trong quý đạt gần 958 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dù doanh thu có sự tăng trưởng, giá vốn hàng bán vẫn ở mức 1.017 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý II/2023, nhưng chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến lỗ gộp gần 59 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ gộp này đã được cải thiện đáng kể so với con số 120 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính của DHB đã giảm từ 6,7 tỷ đồng,xuống còn 5,2 tỷ đồng. Mặc dù chi phí tài chính giảm mạnh 55,5%, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, lên đến 82,4 tỷ đồng, trong đó 56 tỷ đồng là lãi vay. Các chi phí khác bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt đạt 15,4 tỷ đồng và 36,8 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 188 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận sau thuế của DHB giảm sâu trong quý II
Kết quả kinh doanh quý II/2024 thua lỗ của DHB. Nguồn: DHB.

Bên cạnh đó, DHB đã ghi nhận một khoản thu nhập khác đáng kể lên tới 101,6 tỷ đồng nhờ Ngân hàng Phát triển Việt Nam xóa nợ lãi tính trên lãi chậm trả trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 1/12/2023. Sau khi trừ các chi phí khác trị giá 51 tỷ đồng, lợi nhuận khác của DHB đạt 51 tỷ đồng.

Kết quả, DHB báo lỗ sau thuế 137,4 tỷ đồng, con số này đã được cải thiện so với mức lỗ 350 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 6/2024, lỗ lũy kế của DHB đạt gần 2.210 tỷ đồng. Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình hình tài chính, DHB vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do điều kiện sản xuất không thuận lợi, bao gồm thời tiết bất thường và các sự cố về hệ thống điện làm gián đoạn dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than, tiếp tục ở mức cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, DHB ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.967 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế trong nửa đầu năm là hơn 99 tỷ đồng, một sự cải thiện so với mức lỗ 480 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, DHB đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 4.720 tỷ đồng và lãi trước thuế 168 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hai quý đầu năm, DHB vẫn còn xa với mục tiêu lợi nhuận này.

Tính đến cuối tháng 6/2024, quy mô tài sản của DHB là 6.225 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Khoản tiền và tiền gửi ngân hàng ghi nhận 252 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho giảm 21% xuống 478 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối kỳ là 5.713 tỷ đồng, gấp 11 lần vốn chủ sở hữu (512 tỷ đồng). Dư nợ vay tài chính ở mức 2.922 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn. Cũng trong 6 tháng đầu năm, DHB đã vay thêm 892 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 917 tỷ đồng.

Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (HANICHEMCO) tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. Qua 55 năm hình thành và phát triển, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã sản xuất hơn 2 triệu tấn đạm urê, 2 tỷ KWh điện, 45.000 tấn NH3 thương phẩm, 180.000 tấn phân trộn NPK, 30.000 tấn CO2 lỏng rắn chất lượng cao, 3.500.000 chai Oxy thương phẩm, 1500 tấn than hoạt tính phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên cuối tuần vừa qua, cổ phiếu DHB của Đạm Hà Bắc đang dừng ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 4% so với thời điểm hồi đầu năm.