[LIVE] Chủ tịch Techcombank: Khi thời điểm đến, giá trị cổ phiếu TCB sẽ bùng nổ

(Tiếp tục cập nhật)

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Techcombank. (Ảnh: H.T).

Sáng (26/4), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2025 với các nội dung quan trọng như tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh, thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát,...

Tính đến 9h, số cổ đông trực tiếp và uỷ quyền tham dự đại hội là 253 người, đại diện cho 5,27 tỷ cổ phần đang lưu hành có quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 74.66% vốn điều lệ của Techcombank.

Chia sẻ mở đầu đại hội, ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank điểm lại những kết quả nổi bật mà Techcombank đã đạt được trong năm 2024 với lợi nhuận đạt kỷ lục 27.500 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng.Tẹchcombank cũng tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu tuyệt đối về thu nhập phí, chiếm khoảng 13% tổng thu nhập phí toàn ngành.

"Tôi có thể khẳng định, ngân hàng có lẽ chưa bao giờ ở trạng thái tốt hơn như hiện tại", ôngJens Lottner nói.

Ông cho biết trong mảng ngân hàng đầu tư, Techcombank hiện chiếm hơn 50% thị phần trên thị trường trái phiếu (ngoại trừ trái phiếu ngân hàng), cho thấy sự phục hồi rõ nét và một sự “trở lại” đầy mạnh mẽ của ngân hàng. Với bancassurance, dù có sự điều chỉnh do thay đổi đối tác từ Manulife sang AIA và FWD, ngân hàng vẫn duy trì được vị thế vững chắc.

 ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ về những chiến lược của ngân hàng. (Ảnh: H.T).

Mục tiêu lợi nhuận tăng gần 15%

Trong năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà Nước), lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.

Ngân hàng kỳ vọng triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ duy trì quanh mức 7% với nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ như xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng tốc đầu tư vào cơ sở tầng,…

Mục tiêu ngân hàng hướng tới là trở thành ngân hàng đầu tiên ứng dụng AI toàn diện, dẫn dắt hành trình chuyển đổi số của ngành tài chính.

Chi cổ tức 10% bằng tiền mặt

HĐQT ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.

Nguồn chi trả cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 căn cứ trên Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Techcombank.

Thời điểm và tiến độ thực hiện trước 31/12/2025. Thời điểm cụ thể sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng, bảo đảm lợi ích của cổ đông.

Phát hành 21 triệu cổ phiếu ESOP

Tại đại hội lần này, Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 21 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). 

Theo kế hoạch, ngân hàng dự kiến phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu cho người lao động, tương ứng với tỷ lệ hơn 0,3%, với mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 213,9 tỷ đồng. 

Thời gian phát hành dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình.

Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành ESOP kể trên sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ sẽ nâng cao năng lực đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao trong hoạt động của ngân hàng, tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

THẢO LUẬN

- Ban lãnh đạo chia sẻ về khả năng IPO của TCBS?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Năm ngoái TCB đã có kế hoạch và hiện đã làm việc với hai NĐT lớn, có thể họ sẽ tham gia trước vào quá trình IPO và theo đánh giá của NĐT là rất khả quan, họ đánh giá rất cao vị thế của TCB. Khi deal thành công thì sẽ công bố cho các cổ đông.

Theo dự kiến thì chúng tôi sẽ IPO TCBS trong năm nay, vào cuối năm, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thị trường tài chính, thuế quan đối ứng, thị trường chứng khoán. HĐQT đã thuê các nhà tư vấn và đưa ra các kịch bản khác nhau về vấn đề này.

Một điểm cũng lưu ý là khi phát hành equity lớn thì chúng ta sẽ thu được tiền lớn, khi đó sẽ sử dụng như thế nào. Chúng ta sẽ chịu áp lực khi nhận tiền và duy trì được tỷ lệ ROE cao.

- Vai trò của TCB trong dự án tuyến đường cao tốc Đắc Nông - Bình Phước?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Ở dự án đường cao tốc Đắc Nông - Bình Phước, Techcombank có vai trò là nhà thu xếp vốn chứ không phải là chủ đầu tư. Nếu các cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ được khởi công sớm hơn dự kiến. TCB sẽ đưa dịch vụ tốt nhất để tuyến đường khởi công và tạo hành lang quan trọng nối Tây Nguyên và vùng đồng bằng.

-Xin Ban lãnh đạo chia sẻ về tầm nhìn về thị trường BĐS, đặc biệt về sức mua nhà của người tiêu dùng trong năm nay.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Về thị trường BĐS, có rất nhiều đánh giá về thị trường kinh tế vĩ mô của các tổ chức, chuyên gia. Nếu chiến tranh thương mại xẩy ra thì chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế, GDP, khả năng tiêu dùng, sức mua của người tiêu dùng. Theo tôi, trong ngắn hạn thị trường BĐS chưa chịu tác động, nhưng trong tương lai sẽ ảnh hưởng, một phần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng 

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đầu tư hạ tầng là rất lớn, theo đánh giá của chúng tôi là thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ không bứt phá nhưng cũng đang từ từ vượt qua điểm rơi của thị trường. Sức mua đang dần trở lại so với trước khi khủng hoảng, phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô.

 - TCB có nói tham gia vào lĩnh vực Blockchain, phát hành tài sản số, TCBS có tham gia mở sàn giao dịch số hay không?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Đây là chiến lược quan trọng của nhiều tổ chức tài chính, trong đó có Techcombank.
Techcombank mong muốn có thể tham gia vào các lĩnh vực blockchain, tài sản số, hệ thống chuyển mạchđể phục vụ chiến lược chuyển đổi số, chủ động về nền tảng công nghệ và platform.

Hiện nay, đây không phải là đề tài mới, nằm trong chiến lược của nhiều tổ ưhucs tài chính trong đó có Techcombank. Techcombank luôn chủ động về nền tảng công nghệ để phục vụ cho quá trình chuyển đổi của mình.

Nếu cơ hội mở ra và thị trường cho phép thì TCB đương nhiên sẽ tham gia và sở hữu những Platform như vậy. Cụ thể tới đâu thì còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian và khi nào có kết quả thì sẽ công khai.

 - Năm 2024, Techcombank đặt mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD trong năm 2025. Năm nay ngân hàng có giữ mục tiêu này không và TCB sẽ làm gì để đạt được nó?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Cam kết lớn nhất của hội đồng quản trị và ban điều hành là đạt được giá trị thị trường "20 tỷ đô cuối năm 2025". Con số này dựa trên việc Techcombank từng đạt giá trị 4,5 lần Book Value khi IPO lần đầu năm 2018.

Với tình hình năm nay chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt P/B ở mức 2 - 2,5 lần trong năm này vàđiều này hoàn toàn có thể thực hiện nếu Techcombank thực hiện được những kế hoạch và những chiến lược của mình.

Hiện tại, Techcombank có những thuận lợi như thị trường trái phiếu quay trở lại, nhà đầu tư tin tưởng hơn, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, việc phát triển phân khúc SME, micro SME, tín dụng tiêu dùng,...

Thuế quan có tác động ko nhỏ tới hoạt động của ngân hàng nhưng chúng tôi tin rằng dần dần sẽ phục hồi và hy vọng rằng Techcombank sẽ đạt được mục tiêu."Khi thời điểm đến thì giá trị sẽ bùng nổ."

Với nền tảng Techcombank đang đi thì chúng ta hoàn toàn tin rằng sẽ đạt được cột mốc như vậy tuy nhiên cũng phụ thuộc và các yếu tố vĩ mô và thị trường.

- Chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ xấu hiện có đáng lo ngại không?

CEO Jens Lottner: Về chất lượng tài sản, tôi không thấy có dấu hiệu đáng lo ngại nào ở thời điểm này. Nợ xấu nhìn chung đi ngang, chỉ dao động nhẹ trong khoảng 2-3 điểm cơ bản, chủ yếu do một số biến động từ các khoản vay thế chấp bán lẻ của nhóm khách hàng lớn. Nhưng xét toàn bộ danh mục tín dụng, chất lượng tài sản vẫn ổn định và mục tiêu duy trì NPL ở mức 1,5% vẫn đang trong tầm kiểm soát, ngay cả khi rủi ro bên ngoài như căng thẳng thương mại kéo dài.

- NIM của ngân hàng đang bị ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng và lãi suất điều hành giảm?

CEO Jens Lottner: Trong quý này, một trong những vấn đề được quan tâm là NIM. Tôi cho rằng nguyên nhân chính rất rõ ràng: áp lực cạnh tranh trong toàn ngành ngân hàng đang gia tăng đáng kể, nhất là đối với khách hàng vay có chất lượng tín dụng tốt.

Cùng với đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra định hướng rõ ràng về việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó khiến lãi suất cho vay giảm nhanh, trong khi lãi suất huy động lại giảm chậm hơn, dẫn đến biên lợi nhuận lãi thuần thu hẹp.

Dù vậy, nếu so với mặt bằng chung, biên lợi nhuận lãi thuần của chúng tôi trong 12 tháng qua vẫn cao hơn trung bình ngành. Trong môi trường cạnh tranh hiện tại, điều đó có thể xem là một kết quả tích cực.

- Định hướng mở rộng sản phẩm và dịch vụ tài chính của ngân hàng trong thời gian tới là gì?

CEO Jens Lottner: Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra các phân khúc khách hàng mới và tích hợp sâu hơn vào nhu cầu thực tế của khách hàng, thông qua các đối tác lớn chứ không chỉ fintech. Mảng bảo hiểm đã bắt đầu phát triển rõ nét - hiện nay chúng tôi đã có sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ từ liên kết với công ty bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, bao gồm bảo hiểm nhà, ô tô, an ninh mạng... Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, chúng tôi vẫn đang chờ hoàn tất các quy trình cấp phép từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

- Chiến lược hợp tác với các công ty Fintech và tập đoàn công nghệ lớn của ngân hàng hiện nay ra sao?

CEO Jens Lottner: Chúng tôi hợp tác rất nhiều với các đối tác công nghệ - không chỉ những công ty nhỏ mà còn là các tên tuổi hàng đầu thế giới như Visa hay Amazon Web Services (AWS). Visa có thể xem là một trong những công ty fintech lớn nhất toàn cầu, và chúng tôi là đối tác chiến lược của họ tại thị trường này.

Chúng tôi cũng đang làm việc với các nhóm phát triển công nghệ tại châu Âu và hợp tác sâu với  One Mount để triển khai mảng blockchain tại Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.. Mục tiêu là đưa công nghệ mới vào hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng, từ thanh toán đến bảo hiểm.

- Chiến lược chuyển đổi số của Techcombank ra sao để lọt top 3 ngân hàng số?

CEO Jens Lottner: Chúng tôi đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào công nghệ trong 5 năm qua và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tất cả các quy trình nội bộ đều đã được số hóa hoàn toàn. Mới đây, chúng tôi triển khai 19 chi nhánh theo định dạng mới, không có giấy tờ, không lưu trữ hồ sơ vật lý - tất cả đều số hóa.

Bước tiếp theo là đưa "trí tuệ" vào quy trình - tức là tích hợp AI vào toàn bộ trải nghiệm khách hàng, từ ứng dụng ngân hàng cho tới nhân viên tư vấn. Dữ liệu sẽ được phân tích sâu để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với từng khách hàng.

Nhờ mô hình này, chúng tôi đã có thể quay trở lại mảng tín dụng bán lẻ và SME - vốn từng nhiều lần thử nghiệm nhưng không hiệu quả do chi phí vận hành quá cao. Nay, chúng tôi đã tăng trưởng cho vay trong mảng thương nhân tới 700% chỉ trong một năm. Điều đó minh chứng rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, nhưng vẫn rất cẩn trọng vì "cho vay thì dễ, đòi lại mới khó".

- Ngân hàng có đặt mục tiêu nâng ROE lên trên 20% không? Và làm sao để đạt được?

CEO Jens Lottner: Về mục tiêu ROE trên 20%, đây là một mục tiêu thách thức. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là chúng tôi hiện đang nắm giữ mức vốn chủ sở hữu cao hơn đáng kể so với trung bình ngành - tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 15%, trong khi nhiều ngân hàng khác chỉ giữ khoảng 12%. Nếu giảm vốn chủ về mức 12% thì lợi nhuận trên vốn của chúng tôi sẽ có thể đạt ngưỡng 20%.

Tuy nhiên, Ngân hàng chọn chiến lược an toàn, hướng đến  tăng trưởng vững mạnh. Việc giữ mức vốn cao giúp ngân hàng sẵn sàng ứng phó với các biến động lớn như đại dịch, khủng hoảng lãi suất hay bất ổn thương mại. Đồng thời, muốn tham các dự án hạ tầng lớn thì Techcombank cũng cần có cơ sở vốn tốt.

Điều cần làm lúc này là tìm kiếm thêm nguồn thu từ phí (fee income). Đó là hướng mà chúng tôi đang tích cực triển khai.

- Sản phẩm sinh lời tự động (Auto-earning) đang bị nhiều ngân hàng khác sao chép, điều đó có ảnh hưởng gì tới thị phần của ngân hàng hay không?

CEO Jens Lottner: Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sản phẩm sinh lời tự động đang bị mất thị phần. Ngược lại, khi có thêm đối thủ tung ra sản phẩm tương tự, điều đó càng giúp thị trường hiểu rõ hơn giá trị thực sự của chương trình mà Techcombank cung cấp.

Một số đối thủ quảng bá sản phẩm bằng cách khuyến khích khách hàng tự quyết định chuyển tiền vào chứng chỉ tiền gửi, sau đó khi cần rút tiền lại phải thực hiện thao tác thủ công. Đó không phải là sinh lời tự động (Auto-earning) theo đúng nghĩa.

Sinh lời tự động (Auto-earning) của chúng tôi đơn giản là khách hàng chỉ cần nhấn một nút trên App, sau đó toàn bộ số dư tài khoản được tự động tối ưu lãi suất - vẫn có thể dùng thanh toán như tài khoản thanh toán thông thường, hoàn toàn linh hoạt, không cần thao tác thêm. Trong quý gần nhất, đã có tới 800.000 khách hàng đăng ký sử dụng sản phẩm này.

Tôi thường ví điều này giống như việc so sánh điện thoại iPhone với điện thoại phổ thông. Cả hai đều là điện thoại, nhưng trải nghiệm là rất khác biệt.

Xem thêm tại vietnambiz.vn