Ngân hàng dẫn dắt thị trường trái phiếu, phát hành kỳ hạn dài tiếp tục sôi động
Giá trị TPDN được phát hành và tỷ lệ phát hành riêng lẻ.

Trái phiếu doanh nghiệp phục hồi

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 đã ghi nhận sự phục hồi, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng phát hành từ nhóm ngân hàng. Theo ông Nguyễn Bá Khương - Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, từ quý II/2024 đến cuối năm, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu, đặc biệt là các kỳ hạn dài từ 3 đến 10 năm, nhằm tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.

Tái cấu trúc giúp giảm thiểu rủi ro nợ

Theo Chuyên gia từ VIS Rating, trong năm 2025, rủi ro chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu được kỳ vọng duy trì ở mức thấp, nhờ xu hướng giảm mạnh các trường hợp vi phạm mới trong năm 2024. Phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn đều đang tái cấu trúc, đặc biệt nhóm bất động sản hưởng lợi từ chính sách pháp lý mới, giúp cải thiện dòng tiền và xử lý nợ hiệu quả.

Nhờ đó, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành, với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) đạt hơn 280.000 tỷ đồng, tăng 63,3% so với năm 2023 và chiếm 65% tổng lượng TPDN phát hành trong năm. Nếu loại trừ nhóm này, tổng giá trị TPDNRL phát hành đạt hơn 151.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Dù thị trường phát hành phục hồi, áp lực đáo hạn vẫn lớn với tổng giá trị TPDNRL đến hạn trong năm đạt gần 190.000 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm 2023 (sau khi đã loại trừ các khoản mua lại trước hạn và gia hạn kỳ hạn). Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều thách thức, không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền, dẫn đến việc chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu.

Trước áp lực đáo hạn, nhiều tổ chức phát hành, đặc biệt là nhóm bất động sản, đã đàm phán với trái chủ để gia hạn kỳ hạn trái phiếu, tạo thêm thời gian phục hồi hoạt động kinh doanh và đảm bảo dòng tiền thanh toán nợ. Trong năm 2024, tổng giá trị TPDNRL được gia hạn kỳ hạn đạt khoảng 50.000 tỷ đồng, cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc nợ giữa bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức.

Ngân hàng dẫn đầu phát hành

Trong năm 2025, chuyên gia từ VNDirect cho rằng, áp lực đáo hạn TPDN dự kiến tiếp tục gia tăng. Tổng giá trị TPDNRL đáo hạn trong năm 2025 ước tính khoảng 203.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2024 (đã loại trừ lượng trái phiếu được mua lại trước hạn và số đã gia hạn đến ngày 24/1/2025). Trong đó, hơn 62.000 tỷ đồng là giá trị các trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn trước đó, chiếm 30,6% tổng giá trị đáo hạn năm 2025. Áp lực lớn nhất rơi vào nửa cuối năm, khi tổng giá trị đáo hạn của 2 quý cuối chiếm hơn 65% tổng giá trị đáo hạn cả năm.

Nhóm bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị TPDNRL đáo hạn năm 2025 với hơn 130.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong đó, 43,4% (tương đương 56.000 tỷ đồng) là các lô trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn trước đó.

So với năm 2024, giá trị TPDNRL đáo hạn của nhóm bất động sản tăng mạnh tới 113%. Với thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và tiến độ tháo gỡ pháp lý chưa đạt kỳ vọng, các doanh nghiệp trong ngành này có thể tiếp tục đối mặt với khó khăn về dòng tiền, làm gia tăng rủi ro vỡ nợ và áp lực lên thị trường TPDN.

Trong khi đó, nhóm tài chính - ngân hàng có tổng giá trị TPDNRL đáo hạn năm 2025 đạt hơn 33.000 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng giá trị đáo hạn cả năm. "Mặc dù áp lực đáo hạn tăng lên, nhưng nhóm ngân hàng có thể vẫn tích cực phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn. NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao, khoảng 16% trong năm 2025" - ông Nguyễn Bá Khương nhận định.

Với mức tăng trưởng này, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là thông qua phát hành TPDN kỳ hạn dài. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn mà còn góp phần đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Do đó, nhiều khả năng hoạt động phát hành TPDNRL của nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2025, góp phần hỗ trợ sự phục hồi của thị trường TPDN.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, bà Nguyễn Thảo Hạnh – Khối Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh, Công ty CP FiinRatings cho biết, năm 2025, hoạt động phát hành trên thị trường TPDN nói chung và TPDNRL nói riêng được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ 2 yếu tố chính. Thứ nhất, bên cạnh các tổ chức tín dụng là nhóm ngành phát hành dẫn dắt thị trường, năm nay nhiều khả năng sẽ ghi nhận hoạt động phát hành sôi động hơn ở nhóm ngành phi tài chính bao gồm bất động sản, hạ tầng cơ bản như năng lượng tái tạo, nước sạch,…

Thứ hai, thị trường TPDN xuất hiện nhiều yếu tố mới về kỳ hạn. Theo đó, trái phiếu được bảo lãnh, được xếp hạng tín nhiệm và đạt chuẩn xanh đã ghi nhận sự phát triển trong năm vừa qua. Kỳ vọng trong năm 2025 sẽ tiếp tục giúp thúc đẩy sự phát triển của kênh huy động vốn này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lý Thanh Lương - Trưởng nhóm phân tích, Khối Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cũng cho rằng, thị trường trái phiếu năm 2025 sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với quy mô phát hành mới dự kiến tăng 23% so với 2024. Ngân hàng vẫn là lực đẩy chính nhờ nhu cầu tín dụng lớn, trong khi lĩnh vực bất động sản cũng khởi sắc nhờ sự trở lại của các dự án mới và nhu cầu vốn dài hạn gia tăng./.