Nhập khẩu thép HRC không ngừng tăng

Thép HRC nhập khẩu vẫn tăng mạnh

Lượng thép HRC nhập khẩu 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,7 lần sản xuất trong nước là điều đáng báo động.

Đặc biệt, hoạt động nhập khẩu này vẫn diễn ra sôi động, ngay cả khi Bộ Công thương chính thức tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (ngày 14/6/2024).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn.

Theo quy định, thời gian để Bộ Công thương thẩm định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là 45 ngày, kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ.

Thượng nguồn ngành thép lo bế tắc

Việc hàng nhập khẩu giá rẻ có dấu hiệu bán phá giá ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước không khai thác được hết công suất thiết kế.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất thép HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Vì vậy, việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, có thời điểm sản lượng nhập khẩu gấp gần 200% sản xuất trong nước, khiến thị phần bán thép HRC của doanh nghiệp nội địa mất vào tay hàng nhập khẩu.

Thị phần bán thép HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021, xuống 30% vào năm 2023.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi tháng 4/2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát thẳng thắn cho hay: “Không nước nào trên thế giới chấp nhận hàng hóa nhập khẩu tràn vào với số lượng nhiều hơn cả lượng sản xuất trong nước. Trong năm 2023, lượng sản xuất thép HRC của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn, thì nhập khẩu là 9,6 triệu tấn. Nhập khẩu ồ ạt sớm muộn sẽ đè bẹp sản xuất trong nước”.

Chia sẻ thực tế thép là đối tượng được nhiều nước quan tâm và bảo vệ, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, trong Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), thép là nhóm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất, chiếm 32% số vụ PVTM trong giai đoạn 1995-2023. Sở dĩ thép được quan tâm như vậy là bởi mức độ quan trọng của sản phẩm này trong quá trình phát triển và xây dựng của các quốc gia.

Tại Mỹ, dù lượng thép nhập khẩu chỉ bằng 10% sản xuất trong nước, nhưng ngay lập tức họ áp thuế chống bán phá giá, đồng thời áp ngay Điều 232, Đạo luật thương mại mở rộng khi sản phẩm bị điều tra được cho là đe dọa đến an ninh quốc gia để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Thái Lan và Indonesia có điều kiện kinh tế - xã hội khá tương đồng với Việt Nam. Sản lượng thép của hai quốc gia này thấp hơn so với nhu cầu trong nước. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Thép Đông Nam Á (SEAISI), sản lượng thép thành phẩm của Thái Lan năm 2022 đạt 7 triệu tấn, trong đó sản xuất thép HRC đạt 2,3 triệu tấn, đáp ứng 43% tổng tiêu thụ.

Cũng theo báo cáo của SEAISI, giai đoạn 2020 - 2022, Indonesia sản xuất khoảng 2,3 - 2,8 triệu tấn thép HRC mỗi năm và nhập thêm trung bình 1,3 triệu tấn thép HRC/năm, chiếm 37% tổng tiêu thụ nội địa.

Dù lượng sản xuất HRC của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 70% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng từ năm 2019, hai nước này đã áp thuế chống bán phá giá thép HRC, bên cạnh thuế nhập khẩu MFN (mức thuế tối huệ quốc) đang duy trì.

Trong khi đó, Việt Nam có năng lực sản xuất thép HRC đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8,5/12 triệu tấn), nhưng hiện nay không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Điều này khiến thị trường Việt Nam đang là vùng trũng cho hàng nhập khẩu từ các nước lân cận, đồng thời có thể bị lợi dụng để các cường quốc thép xuất khẩu sang các thị trường Âu - Mỹ.

Các chuyên gia ngành thép cũng cho hay, ngành thép Việt Nam, đặc biệt là sản xuất thép chất lượng cao và thép HRC khá thiệt thòi, do bối cảnh trước đây trong nước chưa sản xuất được, nên các hiệp định, cam kết quốc tế đều có mức thuế nhập khẩu bằng 0%.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tự chủ được nhiều sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là thép cán nóng. Việt Nam đang có vị thế dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép và đứng Top 12 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có biện pháp kịp thời để bảo vệ sản xuất trong nước với những sản phẩm ở khâu thượng nguồn.

Có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Bộ Công thương, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, hiện là giảng viên Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, Chính phủ luôn khuyến khích nâng cao năng lực sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp vật liệu, trong đó, thép là sản phẩm nguyên liệu đầu vào của nhiều chuỗi sản xuất khác nhau.

“Việc chủ động được nguồn cung trong nước vừa góp phần tăng tính tự chủ của nền kinh tế, vừa nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên việc điều tra chống bán phá giá, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển là cần thiết”, bà Thúy nói.

Minh bạch để phát triển dài lâu

Trong một diễn biến khác, một nhóm thành viên Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, bởi lo ngại chuyện “một số nước có quan hệ FTA với Mỹ sẽ bị một số nước sản xuất thép khác lợi dụng để xuất khẩu thép vào Mỹ, hoặc trở thành bến đáp cho các nhà máy sản xuất của một số nước dịch chuyển sang để trốn thuế”.

Bình luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho rằng, khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thông qua doanh nghiệp ở các nước khác nhằm tránh thuế suất cao do chiến tranh thương mại giữa 2 nước, đã được phía Mỹ đặt ra từ ngay sau khi hàng rào thuế quan được đưa ra.

Theo đó, các nghiên cứu để tìm ra bằng chứng đã được triển khai ở cấp độ doanh nghiệp đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ ở cấp độ HS 8 chữ số, nhằm xác định các mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng đổi tuyến đường xuất khẩu (reroute) hoặc đổi nhãn mác.

“Những doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ, nếu có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, nhưng lại không có thay đổi căn bản về chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ (như tạo thêm việc làm, tăng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị gia tăng tạo ra trong nước…) sẽ thuộc diện cần xem xét rủi ro lợi dụng xuất xứ từ những nước có quan hệ thương mại tốt với Mỹ nhằm tránh thuế”, bà Thúy nói.

Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng, việc ngăn ngừa gian lận thương mại không chỉ ở nước nhập khẩu, mà ngay cả nước xuất khẩu cũng cần lưu ý để tránh bị lợi dụng xuất xứ, gây ảnh hưởng tới uy tín của đất nước.

Thực tế này cũng cho thấy, câu chuyện phòng vệ thương mại với ngành thép Việt Nam cần được các cơ quan quản lý nhà nước xử lý minh bạch, công khai. Điều này không chỉ động viên các doanh nghiệp đã đầu tư nghiêm túc, bài bản để gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, mà còn để các nước nhập khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam nhìn thấy rõ bản chất. Từ đó không mượn cớ để áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại lên các mặt hàng thép, cũng như nhiều mặt hàng khác của Việt Nam.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn