Những ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên gọi tên Techcombank, MB, Vietcombank

Ngân hàng tiếp tục tăng chi cho nhân viên

Vào nửa đầu 2024 trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng phục hồi nhanh chóng, lương thưởng cho nhân viên ngành này cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của 29 ngân hàng (gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank), chi phí trung bình cho nhân viên trong giai đoạn nửa đầu năm 2024 là 31,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. So với kết quả ba tháng đầu năm 2024, chi phí cho nhân viên cũng đã tăng 2,3%.

Hiện chi phí trung bình cho mỗi nhân viên ngân hàng đang gấp khoảng hơn 4 lần so với thu nhập một người lao động tại Việt Nam (7,5 triệu đồng/tháng vào quý II/2024). Chi phí cho nhân viên ngân hàng bao gồm cả lương, thưởng phụ cấp và những chi phí khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ... Do đó, mức thực nhận của nhân viên có thể thấp hoặc cao hơn, phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng. 

Nhìn chung, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận chi phí cho nhân viên tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 4 ngân hàng giảm bớt mức chi cho nhân viên.

Cùng với đó, thu nhập nhân viên ngân hàng ngày càng trở nên phân hóa mạnh hơn. Khoảng cách giữa ngân hàng chi nhiều nhất và ngân hàng chi thấp nhất đã tăng từ 26 triệu đồng/người/tháng trong nửa đầu năm 2023 (loại trừ trường hợp của BaoViet Bank) lên 34 triệu đồng vào nửa đầu năm nay. 

Đồng thời, lương thưởng của nhân viên trong nhóm Big4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) không còn dẫn đầu trong những năm gần đây. Thay vào đó, hai ông lớn cổ phần là Techcombank và MB liên tục chiếm những vị trí đầu bảng. TPBank còn vượt qua VietinBank về mức chi này.

Nguồn: BCTC các ngân hàng - Đồ hoạ: ALex Chu

Cụ thể, Techcombank dẫn đầu về độ chịu chi cho nhân viên và ngày càng bỏ xa các ngân hàng còn lại. Hàng tháng, mỗi nhân viên ngân hàng này được chi 53,1 triệu đồng, tăng 8,5 triệu đồng hay 19,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Thuyết minh báo cáo tài chính của Techcombank coi con số 53,1 triệu đồng/tháng này là thu nhập bình quân của nhân viên. Còn nếu chỉ tính tiền lương, trung bình mỗi nhân viên ngân hàng này sẽ nhận về 46 triệu đồng/tháng.

Để được ngân hàng chịu chi như vậy, nhân viên Techcombank có khả năng kiếm tiền giỏi nhất trong danh sách 29 nhà băng. Trung bình mỗi tháng, một nhân viên Techcombank mang về 183 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn ba lần bình quân toàn ngành. 

Nhân viên Techcombank vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại ở khả năng kiếm tiền và mức chi phí bình quân. 

Nửa đầu 2024, MB tiếp tục giữ vị trí thứ hai với mức chi phí bình quân 46 triệu đồng mỗi tháng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Nhân viên MB cũng thuộc nhóm dẫn đầu trong về khả năng kiếm tiền khi bình quân mỗi người mang về 107 triệu đồng lợi nhuận mỗi tháng.

Vietcombank đứng thứ ba trong danh sách với chi phí bình quân cho nhân viên là 41,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Nhân viên Vietcombank kiếm tiền giỏi thứ ba hệ thống khi mang về 121 triệu đồng lợi nhuận sau thuế mỗi tháng.

Ông lớn BIDV đứng ở vị trí thứ 4, với chi phí bình quân cho nhân viên đạt 39,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mỗi nhân viên của BIDV chỉ mang về 70 triệu đồng/tháng, nhỉnh hơn so với trung bình toàn hệ thống. 

TPBank và VietinBank lần lượt chiến vị trí thứ 5 và 6 trong bảng xếp hạng với mức chi bình quân cho nhân viên cùng đạt 39,4 triệu đồng/người/tháng. Kế đến là các ngân hàng ACB, SHB (số liệu riêng lẻ do không còn ghi nhận SHBFinance là công ty con), Sacombank và VIB.

Trong đó, nhân viên SHB có khả năng kiếm tiền cao thứ hai khi mang về 157 triệu đồng/người/tháng. Kết quả này không quá bất ngờ khi SHB là ngân hàng có tỷ lệ tối ưu chi phí hoạt động (CIR) cao nhất toàn hệ thống trong nửa đầu 2024. 

Agribank xếp vị trí 11 trong danh sách với chi phí bình quân cho nhân viên đạt 32,9 triệu đồng/người/tháng. Bình quân, mỗi nhân viên của Agribank thu về 43 triệu đồng lợi nhuận/tháng, thấp hơn mức trung bình của 29 ngân hàng.

Tuy các ngân hàng top đầu vẫn mạnh tay tăng chi cho nhân viên, một số nhà băng lại có động thái cắt giảm. Cụ thể, LPBank đã giảm chi phí nhân viên 7%, xuống 21,2 triệu đồng/tháng. Trong nửa đầu năm 2024, LPBank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất. 

Ngoài ra, ngân hàng hợp nhất của VPBank cũng giảm chi phí bình quân cho nhân viên thêm 2,8% xuống 27,4 triệu đồng/người/tháng. Mức chi của nhân viên ngân hàng riêng lẻ giảm 3,3% xuống 33 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài hai trường hợp này, ABBank và SHB cũng ghi nhận chi phí bình quân cho nhân viên giảm, lần lượt 1,9% và 1,2%. 

Nếu loại trừ BaoViet Bank (do chỉ có số liệu quý II/2024), NCB là ngân hàng có mức chi cho nhân viên tăng trưởng nhanh nhất, lên tới 38,2%. 

Thu nhập phân hóa mạnh ngay trong ngân hàng

Những số liệu chi phí cho nhân viên nêu trên chỉ là bình quân của mỗi ngân hàng, tức gộp chung cả thu nhập của lãnh đạo và nhân viên. Trên thực tế, chênh lệch giữa thu nhập của lãnh đạo vào nhân viên có thể lên tới cả chục lần. 

Ngoài ra, số liệu trên cũng bỏ qua yếu tố về vị trí, phòng ban, thâm niên hay khu vực, chi nhánh ... Các ngân hàng thường có chính sách lương thưởng hậu hĩnh cho những chi nhánh làm ăn tốt, trong khi nếu gặp khó khăn, nhân viên có thể chỉ nhận được đủ lương cơ bản. 

Chị N.A, nhân viên một của một ngân hàng trong nhóm Big4 trên địa bàn Hà Nội, cho biết do chi nhánh gặp khó khăn, chị chỉ nhận được lương cơ bản và không có lương năng suất. Trong khi đó, đồng nghiệp của chị tại các chi nhánh tỉnh hoặc trong nội thành Hà Nội nhận được mức lương tới hàng chục triệu đồng/tháng và thưởng Tết hơn 10 tháng lương. 

Anh Q.A, nhân viên một ngân hàng cổ phần lớn trên địa bàn Hà Nội, thông tin thêm rằng mức lương thực tế của mình phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kinh doanh. Trong nửa đầu năm 2024, tín dụng cá nhân, lĩnh vực mà anh Q.A đang công tác gặp nhiều khó khăn nên thu nhập thực tế giảm "một nửa". Trong khi đó, những đồng nghiệp làm tín dụng doanh nghiệp cùng chi nhánh với anh vẫn "sống khỏe". 

Xem thêm tại vietnambiz.vn