Sân bay gần 60 tuổi tại một tỉnh miền Trung sắp được nâng tầm Quốc tế, quy mô 5 triệu khách
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, theo quy hoạch tổng thể, Thanh Hóa sẽ có cảng hàng không quốc tế quy mô 5 triệu khách vào năm 2030.
Cử tri tỉnh Thanh Hóa vừa đề nghị Bộ GTVT nâng cấp Cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân lên sân bay quốc tế để phục vụ nhu cầu nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, ngày 18/3, Bộ GTVT cho hay, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch CHK Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng chức năng của CHK Thọ Xuân trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; quy mô kết cấu hạ tầng giai đoạn đến năm 2030 đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng công suất khoảng 7 triệu hành khách/năm.
Cảng hàng không Thọ Xuân được định hướng là cảng hàng không Quốc tế |
>> Thêm một tỉnh miền Trung sẽ 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương
Việc đầu tư phát triển các hạng mục công trình tại CHK Thọ Xuân sẽ thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt trên cơ sở nhu cầu tăng trưởng vận tải, bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành.
Hiện trạng CHK Thọ Xuân đạt quy mô cấp sân bay 4C, bảo đảm khai thác các loại tàu bay code C (như A320/A321 và tương đương); sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí; nhà ga hành khách được thiết kế với công suất khoảng 1,2 triệu hành khách/năm.
Về khai thác, những năm vừa qua, CHK Thọ Xuân chủ yếu khai thác các đường bay quốc nội, đã thực hiện một số chuyến bay quốc tế không thường lệ (charter), trong đó sử dụng nhà ga quân sự cũ, chưa khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ.
Sản lượng hành khách thông qua cảng những năm gần đây đã tiệm cận công suất thiết kế, tuy nhiên nhu cầu khai thác quốc tế chưa cao.
Vì vậy, trước mắt, Bộ GTVT đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác thêm các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi/đến CHK Thọ Xuân nhằm phát triển thị trường bay quốc tế. Khi có nhu cầu khai thác thường lệ, Bộ GTVT sẽ triển khai thủ tục công bố CHK quốc tế theo quy định.
Về đầu tư phát triển CHK Thọ Xuân, trong vai trò là doanh nghiệp CHK Thọ Xuân, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang rà soát, cân đối nguồn lực để đầu tư, mở rộng các công trình thiết yếu của Cảng theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa cũng đang nghiên cứu đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác CHK Thọ Xuân.
Sân bay Thọ Xuân kết hợp giữa mục đích dân dụng và quân sự |
Sân bay Thọ Xuân được xây dựng vào năm 1965 với mục đích ban đầu là phục vụ cho quân sự. Vì vậy, cái tên đầu tiên của nơi đây là sân bay quân sự Sao Vàng - dưới quyền quản lý của Trung đoàn tiêm kích Bom 923. Đến ngày 5/2/2013, chuyến bay dân sự đầu tiên xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đã hạ cánh tại sân bay Thọ Xuân. Đây cũng là sự kiện đánh dấu thời kỳ phát triển mới cho sân bay này - thời kỳ phục vụ cả mục đích dân dụng.
Thanh Hóa là tỉnh ven biển cực Bắc vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Tỉnh này là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao. Tỉnh là 1 cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Việt Nam.
Thanh Hóa là tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng thời là địa phương có tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước hàng năm lớn nhất tại miền Trung.
>> Siêu dự án giao thông gần 70 tỷ nối 2 miền Nam - Bắc sẽ có ga ngầm ở sân bay lớn nhất Việt Nam
Xem thêm tại nguoiquansat.vn