Sớm cắm mốc giới thực địa, sân bay Nội Bài dự kiến nâng công suất lên 100 triệu hành khách
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 9284/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri thành phố về việc cắm mốc giới thực địa quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo cử tri TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 nhưng đến nay chưa thực hiện việc cắm mốc giới thực địa. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, phát triển kinh tế của người dân tại các xã trong vùng quy hoạch.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm thực hiện cắm mốc giới thực địa quy hoạch sân bay, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống.
Phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết triển khai Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức triển khai công tác đo đạc, cắm mốc giới và thông báo kế hoạch tới các địa phương liên quan để phối hợp.
"Tuy nhiên, do một số vướng mắc trong quá trình thực hiện nên các đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc giới nêu trên", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Sau khi Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ được ban hành, cùng với việc chuyển đổi mô hình của ACV, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước và giao Cảng vụ hàng không miền Bắc tiếp tục tổ chức triển khai cắm mốc giới quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Trong giai đoạn này, trước nhu cầu tăng trưởng nhanh của ngành hàng không, cũng như triển khai Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Pháp.
Tư vấn ADPi (Pháp) đã triển khai nhiệm vụ từ tháng 6/2019, trong đó đã rà soát toàn bộ quy hoạch theo Quyết định số 590/QĐ-TTg.
Tư vấn ADPi (Pháp) cũng nghiên cứu phương án mở rộng, phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, tương đương với một số cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới.
Theo Bộ Giao thông vận tải, công tác cắm mốc giới quy hoạch theo Quyết định số 590/QĐ-TTg sẽ tiếp tục được triển khai sau khi cập nhật quy hoạch để tránh ảnh hưởng đến người dân trong khu vực.
Đến nay, tư vấn APDi đã cơ bản hoàn thiện phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp nhận và giao tư vấn trong nước hoàn chỉnh quy hoạch theo quy định, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức công bố quy hoạch và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cắm mốc giới.
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là sân bay của Thủ đô Hà Nội, có vị trí kinh tế, chính trị, địa lý hết sức quan trọng và thuận lợi và là điểm dừng chân lý tưởng trong mạng đường bay từ Châu Âu, Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Châu Á - Thái Bình Dương, đây là những vùng kinh tế đang phát triển đầy tiềm năng.
Cảng có sản lượng hành khách lớn thứ hai cả nước, trong năm 2023 đạt gần 30 triệu hành khách và có sản lượng hàng hóa lớn nhất cả nước khi năm 2023 sản lượng hàng hóa đạt gần 700.000 tấn. Đây cũng là cảng hàng không phục vụ các chuyến bay chuyên cơ, ưu tiên cao nhất cả nước.
Nhiều năm qua, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã khai thác vượt quá công suất thiết kế của các nhà ga. Nhà ga quốc nội T1 có công suất khoảng 15 triệu lượt hành khách/năm. Nhà ga quốc tế T2 được đưa vào khai thác từ năm 2015, với công suất 10 triệu khách/năm nhưng đến năm 2018 đã mãn tải. Vì vậy, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài nâng công suất khai thác từ 10 triệu hành khách/năm lên 15 triệu hành khách/năm đang được triển khai.
Xem thêm tại vneconomy.vn