Thị trường khó đánh, các công ty chứng khoán lại xung đột quan điểm về mốc 1.300
Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch tích lũy với chỉ số VN-Index ghi nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng điểm, chốt tuần ở mức 1.276,08 điểm tăng 0,88 điểm so với cuối tuần trước.
Nhận định về xu hướng giao dịch thị trường, ông Định Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường của Chứng khoán VnDirect cho rằng thị trường cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ mạnh đủ sức kéo chỉ số VN-Index vượt qua mức 1.300 điểm. Và điều tích cực đang tới, khi số liệu ước tính cho thấy lợi nhuận ròng Q4/2024 của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán tăng gần 27,8% so với cùng kỳ, một phần do hiệu ứng nền thấp của Q4/23.
Kết quả kinh doanh khởi sắc trong Q4/2024 đã kéo lợi nhuận ròng cả năm 2024 trên 3 sàn tăng 17,6% svck, trong đó HOSE tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tuần qua cũng đón nhận những động thái đáng chú ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, NHNN đã nâng giá bán can thiệp USD từ 25.450 lên 25.698 VND và tăng dần tỷ giá trung tâm lên 24.572 VND/USD tính đến ngày 13 tháng 2.
Những điều chỉnh này phản ánh nỗ lực có chủ đích của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn là 8% cho năm 2025, cho thấy NHNN đang có sự ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế so với hai mục tiêu còn lại là lạm phát và tỷ giá.
Trước đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh trần lạm phát năm 2025 lên mức 4,5-5,0% (so với kế hoạch trước đó là 4,0-4,5%). Việc NHNN ưu tiên tăng trưởng và thúc đẩy tín dụng sẽ là thông tin tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến thông tin tích cực gần đây về diễn biến DXY, theo đó bất chấp việc chỉ số CPI tăng vượt dự báo trong T1/25, chỉ số DXY đã có một nhịp điều chỉnh mạnh về dưới 107 khi tin xấu đã phản ánh. Nhờ đó, áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá VND đã được giảm bớt.
Với những thông tin tích cực xuất hiện gần đây, ông Hinh cho rằng xác suất thị trường vượt mốc 1.300 điểm đang tăng lên, mặc dù quá trình đi lên này có thể chậm rãi. Do đó, nhà đầu tư có thể canh những nhịp điều chỉnh ngắn trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu một cách “từ từ”, ưu tiên các doanh nghiệp và ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực trong Q1/25 và cả năm 2025 như ngành ngân hàng, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ), xây dựng hạ tầng (nhất là liên quan tới đầu tư công) và vật liệu xây dựng.
Chứng khoán MBS cho rằng thị trường đã bỏ qua tác động từ thuế quan và lạm phát đang quay lại thị trường Mỹ có thể khiến Fed thận trọng giảm lãi suất. Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index dù đã thoát xu hướng giảm kể từ tháng 10 và vượt đỉnh tháng 12 (theo giá đóng cửa) nhưng thực tế vẫn chưa thể đột phá dứt khoát vùng 1280 điểm.
Cả tuần qua, chỉ số này có mức tăng chưa tới 1 điểm khi nhóm Bluechips tỏ ra đuối sức. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng khá mạnh từ khối ngoại và nền thanh khoản vẫn ở mức thấp vẫn là hạn chế cho nhịp bứt phá của thị trường lúc này.
Trong kịch bản cơ bản, thị trường vẫn tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang dưới vùng cản tâm lý 1.280 – 1.300 điểm trong tuần này, xác suất đột phá ở vùng cản này không cao do hạn chế về thanh khoản, khối ngoại duy trì bán ròng và sự phân hóa từ nhóm Bluechips. Vùng hỗ trợ cho thị trường ở khu vực 1.260 – 1.265 điểm, là nơi đang có sự hội tụ của cụm MA50, MA100 và MA200.
Kịch bản thận trọng là nhóm Bluechips đột phá không thành công ngưỡng 1.280 điểm, dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ khi xác suất vượt đỉnh 7 tháng ở nhóm cổ phiếu này tương đối cao. Về định giá, hiện tại chỉ số P/E của thị trường (13,77 lần) đã thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với bình quân 5 năm (16,99 lần). Đây là lần thứ 2 chỉ số P/E về mức hỗ trợ này kể từ tháng 11/2023.
Ở trong nước, diễn biến tỷ giá đã hạ nhiệt về cuối tuần khi giá USD bán ra còn 25.580 đồng so với mức đỉnh 25.740 đồng giữa tuần trước, bên cạnh đó đồng USD cũng đang đuối sức và đã về mức thấp nhất 2 tháng. Ở bên ngoài, chứng khoán thế giới cũng dường như đang tạm gác lại câu chuyện thuế quan và tín hiệu lạm phát quay trở lại, giá cổ phiếu vẫn duy trì được sự ổn định đáng kinh ngạc.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tận dụng các nhịp tăng của thị trường để chốt lời từng phần, cơ cấu danh mục ở vùng hỗ trợ 1.260 – 1.265 điểm. Tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện và cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn có xác suất tăng điểm hơn cả. Các nhóm cổ phiếu có khả năng tiếp tục được dòng tiền chú ý như: Đầu tư công, BĐS KCN, Ngân hàng, Hàng không, Hóa chất, Bảo hiểm,...
Chứng khoán Mirae Asset thì cho rằng đối với giai đoạn hiện tại, thị trường chung tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng với mọi tâm điểm đều hướng về động thái của Tổng thống Donald Trump về việc kích hoạt thương chiến trên diện rộng. Mirae Asset khuyến nghị theo dõi các động thái của ông Trump về thuế quan, cũng như kết quả đàm phán giữa Mỹ-Nga đối với cuộc chiến tại Ukraine.
Đối với thị trường Việt Nam, VN-Index đã hình thành một vùng hỗ trợ phù hợp tại vùng 1.260 – 1.265 điểm sau khi giảm gần 12 điểm trong phiên giao dịch ngày 10/02 – phù hợp với quan điểm của chúng tôi ở kỳ báo cáo gần nhất. Tuy vậy, xung lực tăng điểm đã dần hạ nhiệt với áp lực chốt lời dần hình thành sau khi tiệm cận vùng đỉnh gần nhất tại 1.280 điểm. Vì vậy, vùng hỗ trợ gần nhất được kỳ vọng sẽ hình thành tại 1.270 điểm trước khi tiếp tục hướng về vùng đỉnh gần nhất là 1.285 điểm.
Xem thêm tại vneconomy.vn