Tiền vẫn tập trung ở nhóm bluechip, VN-Index lấy lại mốc 1.230 điểm

Sự hồi phục của thị trường chung trong những phiên cuối tuần trước không mấy thuyết phục khi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản ở mức khá thấp. Điều này đã được minh chứng bởi diễn biến của VN-Index trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 12/8 khi nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, thị trường chung vẫn có những nhóm cổ phiếu le lói tín hiệu tích cực như nhóm dầu khí, phân bón – hóa chất, công nghệ thông tin… dù chưa đủ lớn để tạo nên những con sóng ngành.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng hơn 30 phút mở cửa khá nỗ lực để giữ sắc xanh, chỉ số VN-Index đã đảo chiều giảm nhẹ trước sức ép đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, ngay khi thị trường chớm đỏ, lực cầu đã gia tăng với tâm điểm chính là các cổ phiếu VN30, giúp các mã này nhanh chóng hồi phục và trở thành điểm tựa giúp VN-Index có sức bật lên mốc 1.230 điểm. Chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng hồi phục và ngưỡng kháng cự gần nhất cần chinh phục là ngưỡng 1.240 điểm, tương đương đường MA20 ngày. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xác lập đáy ngắn hạn cho thị trường.

Chốt phiên, sàn HOSE có 238 mã tăng và 168 mã giảm, VN-Index tăng 6,64 điểm (+0,54%) lên 1.230,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 551,2 triệu đơn vị, giá trị 14.033,2 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 1,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 9/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,54 triệu đơn vị, giá trị 1.989,35 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đã đóng góp tích cực khi đóng cửa cũng tăng 6,6 điểm, với 19 mã tăng và chỉ còn 8 mã giảm. Trong đó, cặp đôi VHM và VIC đóng vai trò lực cản chính khi kết phiên giảm tương ứng 1,9% và 1,5%; ngoài ra có POW giảm 1,8%; còn lại các mã chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT tiếp tục nới nhẹ biên độ tăng, kết phiên đứng tại mức giá 130.000 đồng/CP, tăng 2,4%; tiếp theo là GVR và SSI cùng tăng 2,2%... Cặp đôi cổ phiếu dầu khí PLX và GAS có chút hạ độ cao với mức tăng tương ứng 1,8% và 1,1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi bất động sản DIG và TCH vẫn giảm khá mạnh, lần lượt là 3,7% và 3,3%, kết phiên đứng tại mức giá 22.300 đồng/CP và 16.050 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản sôi động và đều thuộc top 3 mã dẫn đầu thị trường với DIG khớp lệnh vượt trội 34,26 triệu đơn vị và 12,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng tích cực hơn sau phiên sáng đuối sức khi sắc xanh đang lan rộng toàn ngành. Trong nhóm ngân hàng chỉ còn EIB giảm nhẹ chưa tới 0,5%, cùng SHB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc, với các mã tăng tốt như EIB tăng 2,72%, MSB tăng 3,55%. Về thanh khoản, các mã VPB, TCB, MBB đều khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị, HDB và STB có thanh khoản gần 10 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngoại trừ VND và BSI giảm quanh mức 0,5%, còn lại đều tích cực, đáng kể như SSI tăng 2,24%, HCM, VCI, VIX, CTS… đều tăng hơn 1%. Trong đó, cổ phiếu VIX vẫn sôi động nhất ngành và chỉ đứng sau DIG trên toàn thị trường, với hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở top tăng tốt của thị trường, nhóm viễn thông vẫn duy trì tích cực nhờ cổ phiếu lớn FPT tiếp tục nới nhẹ biên độ tăng, cùng CMG tăng gần 2%.

Trong phiên chiều có thêm sự góp mặt của nhóm vận tải biển và hàng không. Cụ thể, HVN và VOS đều tăng kịch trần với khối lượng dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị và 0,65 triệu đơn vị, cùng thanh khoản đạt trên dưới 5-6 triệu đơn vị; các mã khác như VTO tăng 4,9%, PVP tăng 4,3%, SKG tăng 2,7%, GMD tăng 2,5%, VSC tăng 1,3%...

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên lình xình dưới mốc tham chiếu, màn bật cao của nhóm HNX30 cũng giúp HNX-Index leo lên mức giá cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 82 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 1,39 điểm (+0,6%) lên 230,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,34 triệu đơn vị, giá trị 827,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,92 triệu đơn vị, giá trị 146,24 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tích cực hơn khi đóng cửa tăng gần 6,5 điểm, trong đó chỉ có 4 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu là HLD, TVD, DVM, CAP với mức giảm chỉ trên dưới 1%; còn lại có tới 23 mã tăng.

Bên cạnh các mã tăng tốt được duy trì từ phiên sáng như LAS kết phiên tăng 4,1%, TNG tăng 3,8%, PVS và PVC cùng tăng hơn 1,5%, trong phiên chiều có thêm sự góp mặt của các cổ phiếu chứng khoán.

Cụ thể, SHS kết phiên tăng 2% lên mức giá cao nhất ngày 15.600 đồng/CP và khớp lệnh gần 5,5 triệu đơn vị, BVS tăng 1,7% và khớp 0,65 triệu đơn vị, MBS tăng nhẹ 0,7% và đóng cửa cũng ở mức giá cao nhất ngày 29.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,3 triệu đơn vị…

Ngoài ra, một số mã đáng chú ý khác trên HNX như TIG tăng 3,1%, VGS tăng 4%, DTD tăng 2,8% với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch khá giằng co và UPCoM-Index cũng đã hồi phục thành công về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,21%), lên 93 điểm với 146 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,17 triệu đơn vị, giá trị 551 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,38 triệu đơn vị, giá trị đạt 21,57 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí là BSR và OIL vẫn là tâm điểm của thị trường. Trong đó, BSR kết phiên tăng 1,3% lên mức 23.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 7,65 triệu đơn vị; còn OIL tăng 3,4% lên mức 15.300 đồng/CP và khớp gần 5,4 triệu đơn vị.

Ngoài BSR và OIL, các cổ phiếu khác trong top 10 mã thanh khoản sôi động nhất cũng đều đóng cửa khởi sắc. Đáng kể như BCR tăng 3,6% và khớp 4,68 triệu đơn vị, VGT tăng 2,8% và khớp 2,63 triệu đơn vị, DFF tăng kịch trần lên mức 3.500 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn 0,6 triệu đơn vị; DDV tăng 5,4% và khớp hơn 1,9 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2408 tăng tốt nhất là 5,1 điểm, tương đương +0,4% lên 1.270 điểm, khớp lệnh hơn 226.420 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.620 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CVRE2404 khớp gần 5,52 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 110 đồng/cq. Tiếp theo đó là CMWG2314 khớp hơn 3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4% lên mức 1.830 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn