Vụ vay 5.833 lượng vàng, nợ tăng vọt nghìn tỷ: Ngân hàng khởi kiện
Gốc lãi liên tục gia tăng
CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 24/4, tại TP.HCM.
Nội dung được nhiều cổ đông quan tâm nhất là Tờ trình về việc Ủy quyền cho HĐQT để tìm kiếm, thực hiện các phương án, giải pháp xử lý nợ vay Ngân hàng Sacombank và tái cấu trúc công ty.
Trong nhiều năm qua, APT không thể vay ngân hàng và chỉ có thể dùng nguồn vốn tự có hạn hẹp để tổ chức sản xuất kinh doanh. Tất cả là do tồn đọng 2 khoản vay, trong đó có khoản vay 5.833 lượng vàng miếng SJC, kéo dài từ đầu năm 2009 tới nay.
Cụ thể, theo tờ trình, APT hiện còn nợ Ngân hàng Sacombank (trước đây là nợ Ngân hàng TMCP Phương Nam - SouthernBank, sau đó được sáp nhập vào Sacombank) 5.833 lượng vàng SJC theo hợp đồng từ đầu năm 2009 (với lãi suất vay 10,8%/năm theo hợp đồng với kỳ hạn 12 tháng) và đến nay gần như không có khả năng trả nợ.
Tính tới cuối năm 2023, khoản nợ vàng SJC này hơn 435 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 75 triệu đồng/lượng vàng.
Bên cạnh đó, APT còn khoản vay 103 tỷ đồng tiền kỳ hạn 12 tháng theo hợp đồng vào tháng 1/2009, lãi suất 12%/năm. Công ty chưa có khả năng trả nợ và còn tồn cho tới nay.
Nợ lãi vay cho 2 khoản nợ trên là gần 837 tỷ đồng (chưa tính lãi quá hạn). Trong đó, lãi vay vàng chiếm phần lớn, khoảng 665 tỷ đồng, do nợ gốc gia tăng.
Tổng nợ phải trả quá hạn tính tới cuối năm 2023 của APT tính riêng đối với Sacombank là 1.375 tỷ đồng.
Lật ngược lại thời gian đầu năm 2009, giá vàng ở mức khoảng 18 triệu đồng/lượng, quy đổi ra tiền có giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Tổng 2 khoản vay của Thủy hải sản Sài Gòn ban đầu chỉ khoảng hơn 200 tỷ đồng. Tới cuối năm 2023, tổng nợ đã tăng gấp gần 7 lần. Sau 15 năm, doanh nghiệp gánh thêm khoản nợ gần 1.200 tỷ đồng.
Tăng nhanh nhất chính là khoản nợ 5.833 lượng vàng miếng SJC. Khi doanh nghiệp vay vàng và mang ra bán lấy tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giá vàng khi đó mới khoảng 17-18 triệu đồng/lượng.
Tới cuối năm 2023 giá vàng miếng SJC ở mức 75-77 triệu đồng/lượng (bán ra-mua vào). Còn tới đầu tháng 4/2024, vàng miếng SJC đã lên tới 84-85 triệu đồng/lượng (giá bán ra). Mức nợ đã tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng là khoảng 58 tỷ đồng, chưa tính lãi.
Tổng khoản nợ Sacombank của APT còn chưa tính lãi quá hạn và lãi kép (lãi chồng lãi).
Ngân hàng khởi kiện, doanh nghiệp có tìm được giải pháp?
Thuỷ hải sản Sài Gòn không chỉ phải trả lãi mà còn đang ghi nhận nợ gốc gia tăng chóng mặt vì giá vàng trong nước không ngừng tăng cao. Tình trạng này tiến thoái lưỡng nan đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Theo báo cáo của HĐQT, trong năm 2022, Sacombank đã nộp đơn khởi kiện Công ty APT ra Tòa án nhân dân quận Bình Tân yêu cầu thanh toán nợ và phát mãi toàn bộ tài sản của công ty để thu hồi nợ.
Trước đó, tòa án cũng đã có giấy triệu tập gửi tới APT và được công ty này công bố trên TTCK.
Đề cập tới phương án giải quyết nợ tồn đọng tại Sacombank, báo cáo dự kiến trình ĐHCĐ 2024 cho biết, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc Công ty APT đang tích cực thương lượng với ngân hàng tìm biện pháp giải quyết nhằm bảo đảm sự tồn tại của công ty.
Dù vậy, doanh nghiệp này cũng thừa nhận còn quá nhiều khó khăn về tình hình tài chính, trong điều kiện không vay được vốn kinh doanh. Việc phải thanh toán các khoản phải trả ngân sách Nhà nước và các khoản nợ phải trả đã quá hạn Sacombank đối với Công ty APT là rất khó thực hiện, nằm ngoài khả năng công ty.
Doanh nghiệp do ông Nguyễn Lâm Vinh Huy làm Chủ tịch, nhận định nếu không có giải pháp tài chính phù hợp sẽ làm ảnh hưởng dẫn đến ngừng trệ mọi hoạt động của công ty, hàng trăm người lao động sẽ mất công ăn việc làm gây bất ổn xã hội.
Trong tờ trình phương án giải quyết nợ, APT cho biết mặc dù HĐQT công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị Ngân hàng Phương Nam (hiện là Ngân hàng Sacombank) tiến hành khoanh nợ, xóa lãi vay một thông báo giữa năm 2011 của UBND Thành phố. Tuy nhiên đến nay, Sacombank vẫn chưa chấp thuận.
Cũng về khoản nợ Sacombank 1.375 tỷ đồng, APT cho biết, các giải pháp xử lý nợ trước đây như chuyển nợ vay thành vốn góp điều lệ, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện việc tái cấu trúc công ty theo chỉ đạo của UBND TP.HCM đã được ĐHCĐ công ty thông qua nhiều năm và theo chỉ đạo của HĐQT, Ban Điều hành công ty đã xây dựng thành các phương án để đàm phán với ngân hàng nhưng không thể thực hiện được do cơ chế pháp lý.
Hiện, APT đang đề xuất phương án hai bên cùng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại khoản nợ vay này. Ngân hàng TMCP Sacombank vẫn đang cùng Tòa án thực hiện các thủ tục pháp lý để tiến hành xét xử vụ kiện Công ty APT.
Thuỷ Hải sản Sài Gòn có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Satra (đang sở hữu 30%) và CTCP Tập đoàn Somo Việt Nam (41,09%). Chủ tịch APT là ông Huy, từng làm Phó TGĐ SouthernBank. Năm 2009, khi APT vay SouthernBank, ông Trần Phát Minh là Phó TGĐ SouthernBank. Ông Minh sau từng được bầu là Chủ tịch ATP.
Tình trạng sức khỏe của Thuỷ Hải sản Sài Gòn rất bi đát. Doanh nghiệp này đã thua lỗ triền miên từ năm 2012 tới nay. Năm thua lỗ nhẹ là hơn 31 tỷ đồng, còn đều lỗ trên 100 tỷ. Riêng năm 2020, APT lỗ hơn 206 tỷ đồng. Năm 2023, APT lỗ tiếp 136 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2023, APT lỗ lũy kế gần 1.355 6 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so vốn điều lệ 88 tỷ đồng của công ty.
Tổng tài sản tính tới cuối năm 2023 là hơn 170 tỷ đồng nhưng tổng nợ phải trả lên tới hơn 1.435 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2023, các khoản nợ ngắn hạn lên tới hơn 1.432 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với tài sản ngắn hạn (chỉ còn 104 tỷ đồng).
Doanh nghiệp này âm vốn chủ sở hữu gần 1.265 tỷ đồng, tương đương mỗi cổ phiếu âm 143.750 đồng.
Hiện, APT còn nhiều xí nghiệp chế biến thực phẩm thủy sản, nuôi trồng thủy sản và chiết rót nước mắm cũng như xưởng đông lạnh tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn