Giao dịch chứng khoán sáng 21/8: Thị trường rung lắc, đột biến tại FRT

Thị trường vừa trải qua 3 phiên tăng liên tiếp, bất chấp phiên T+2 của ngày giao dịch biến động mạnh 16/8 về tài khoản, và chỉ số VN-Index đã tăng mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng, tiệm cận khu vực kháng cự quanh 1.280 điểm.

Tuy nhiên, về kỹ thuật, hai chỉ báo MACD và RSI bắt đầu hình thành đỉnh và có dấu hiệu suy yếu tại vùng cao, cho thấy thị trường có thể sẽ xảy ra rung lắc trong quá trình đi lên.

Theo CSI, không loại trừ khả năng VN-Index sẽ có nhịp chỉnh sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp, để test lại khoảng GAP 1.253-1.255 điểm. Dẫu vậy, thị trường vẫn đang rất tích cực và trong trung hạn VN-Index sẽ hướng tới kháng cự 1.320-1.330 điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 21/8, dù mở cửa vẫn duy trì sắc xanh nhưng đà tăng khá yếu bởi trạng thái phân hóa của thị trường chung. Chỉ số VN-Index đã nhanh chóng chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ và có những nhịp điều chỉnh.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index nhích nhẹ trên mốc tham chiếu khi bảng điện tử có số mã tăng giảm khá cân bằng và nhóm VN30 cũng giao dịch phân hóa.

Trong khi các nhóm lớn như ngân hàng và chứng khoán rung vẫn giữ trạng thái giao dịch phân hóa, thì ở nhóm bất động sản, một số mã đã đảo chiều điều chỉnh sau những phiên khởi sắc liên tiếp do áp lực bán gia tăng, như DIG giảm trên dưới 2%, NVL cũng đảo chiều giảm gần 1%.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường chuyển qua nhóm cổ phiếu dầu khí khi tín hiệu tích cực hơn từ đại dự án Lô B – Ô Môn với lễ phát động phong trào thu đua hoàn thành dự án vừa diễn ra. Bên cạnh GAS đang tăng nhẹ khoảng 0,5%, còn các cổ phiếu dầu khí khác như PVD, PVS tăng trên dưới 1,5%, PVC tăng 3%, PVB tăng 4,2%, hay những cổ phiếu có câu chuyện riêng như BSR tăng trên dưới 1%, OIL tăng 2,7%...

Mặc dù lực bán không lớn nhưng gia tăng trên diện rộng đã khiến VN-Index rung lắc và may mắn bật hồi nhẹ trước khi khép lại phiên giao dịch sáng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 134 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,67 điểm (+0,05%), lên 1.273,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434,6 triệu đơn vị, giá trị 10.406,76 tỷ đồng, tăng mạnh 42,73% về khối lượng và hơn 41% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 79,62 triệu đơn vị, giá trị 1.840,9 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với phiên trước.

Nhóm VN30 “quay xe” gây sức ép cho thị trường, chốt phiên giảm hơn 1 điểm, với 18 mã giảm và 10 mã tăng. Trong đó, PLX giảm mạnh nhất là 1,1%, còn lại các cổ phiếu chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ngược lại, POW thu hẹp biên độ nhưng vẫn là mã tăng tốt nhất, đạt 1,9%; nhưng cặp đôi lớn ngân hàng là BID và VCB chốt phiên đều tăng hơn 1%, là động lực chính giúp thị trường có được sắc xanh nhạt khi đóng góp tổng cộng hơn 2 điểm cho chỉ số chung.

Về thanh khoản, các cổ phiếu nóng bất động sản vẫn là tâm điểm với DIG và PDR cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị, DXG và NVL đều thuộc top 10 mã sôi động nhất thị trường khi đạt hơn 8-9 triệu đơn vị; tuy nhiên diễn biến cổ phiếu đã có sự phần hóa với PDR vẫn tăng tốt 3,9%, trong khi DXG chỉ nhích nhẹ 0,3%, còn DIG giảm 2,2%, NVL giảm 0,8%.

Xét về nhóm ngành, chính nhờ sự hồi phục tích cực của VCB và BID đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng thoát khỏi trạng thái điều chỉnh; trong khi nhóm chứng khoán vẫn giảm nhẹ khi các mã SSI, HCM, VIX, CTS, MBS… chốt phiên trong sắc đỏ, FTS, VND, SHS đứng giá tham chiếu. Trong đó, mã bank VPB giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 22,8 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm nhẹ 0,3%.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là bán lẻ, với tâm điểm đáng chú ý là FRT. Dù không không giữ được sắc tím khi chốt phiên, nhưng FRT vẫn tăng ấn tượng 4,6% lên mức giá cao nhất từ trước đến nay 184.100 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng đột biến với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 1,9 triệu đơn vị, gấp gần 4 lần mức trung bình 10 phiên gần đây.

Nhóm cổ phiếu dầu khí dù nhận tín hiệu tích cực đầu phiên nhưng không thể bứt phá trong bối cảnh thị trường chung yếu đà. Chốt phiên, GAS chỉ tăng 0,2%, PVD và PVS cũng chỉ tăng hơn 0,5%...

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng và thiếu sự đồng thuận của nhóm HNX30, đã khiến HNX-Index rung lắc và điều chỉnh nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,02%), xuống 237,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,55 triệu đơn vị, giá trị gần 680 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,66 triệu đơn vị, giá trị 114,28 tỷ đồng.

Cổ phiếu bất động sản CEO giao dịch rung lắc và chốt phiên tăng nhẹ 0,6% lên mức 16.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 5,96 triệu đơn vị.

Cổ phiếu dầu khí hạ độ cao đôi chút, với PVS tăng 0,7% và khớp 3,43 triệu đơn vị, PVC tăng 2,2% và khớp 1,16 triệu đơn vị, PVB tăng 3,2% và khớp 0,3 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán trên HNX cũng kém tích cực với SHS đứng giá tham chiếu và khớp 2,86 triệu đơn vị, MBS giảm 0,7%, VFS giảm 1,5%...

Trên UPCoM, thị trường cũng đuối sức và rung lắc nhẹ về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,08%) lên 94,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,96 triệu đơn vị, giá trị 464,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hpwn 4,7 triệu đơn vị, giá trị 31,4 tỷ đồng, trong đó riêng CMM thỏa thuận 4,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 27 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí BSR và OIL vẫn là tâm điểm của thị trường, chốt phiên BSR tăng nhẹ 0,4% và khớp 7,96 triệu đơn vị và OIL tăng 3,4% với thanh khoản đạt 4,2 triệu đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn