Loạt blue-chips bị bán ròng trăm tỷ, cổ phiếu nhỏ vẫn nóng

Các blue-chips thiếu ổn định khiến VN-Index trồi sụt xanh đỏ cả buổi chiều và chốt phiên tăng chưa tới 1 điểm trong bối cảnh khối ngoại có phiên rút ròng kỷ lục kể từ đầu năm 2023. Tuy vậy nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ lại rất tốt, thậm chí 14 cổ phiếu kịch trần. Chỉ số VNSmallcap sàn HoSE đóng cửa tăng nổi bật 0,86%.

Thanh khoản sàn HoSE phiên chiều chỉ tăng rất nhẹ 6,7% so với buổi sáng, trong đó rổ VN30 tăng 3,3%. Mặc dù về giá, rổ VN30 có 20 mã cải thiện so với buổi sáng, nhưng không đủ để tạo đột biến. VN-Index có tới hai nhịp tạo đáy trong phiên chiều trước khi hồi lại từ khoảng 8 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục.

Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có khả năng điều tiết VN-Index thì chỉ có 4 mã tăng, với duy nhất GVR tăng 3,99% là đáng kể, còn lại FPT tăng 0,65%, HPG tăng 0,52%, GAS tăng 0,13%. Trong khi đó riêng cặp VHM và VIC đã suy yếu nghiêm trọng khi giảm tương ứng 1,17% và 2,42%. Thêm cổ phiếu lớn nhất là VCB giảm 0,91%, BID giảm 0,63%, ảnh hưởng của nhóm tăng tới VN-Index bị triệt tiêu gần hết.

Nhóm dẫn dắt điểm số hôm nay toàn các cổ phiếu trung bình. GVR là mã lớn duy nhất, còn lại PLX tăng 5,8%, DCM tăng 6,93%, POW tăng 3,08%, DGC tăng 1,84%... MWG, FPT, HPG cũng nằm trong nhóm kéo điểm nhưng hầu hết mức tăng đã có từ sáng. Riêng GVR và PLX là bay cao chiều nay, tăng thêm tương ứng 2,96% và 2,2% so với giá chốt buổi sáng. POW, STB, TCB là các mã khác chiều nay tăng thêm được hơn 1%, dù TCB không đủ nhiều để vượt tham chiếu.

Lực cầu bắt đáy chiều nay hoạt động khá lạnh nhạt ở rổ VN30 nhưng lại hưng phấn trong nhóm vừa và nhỏ. VN30 đóng cửa vẫn giảm 0,03% với 12 mã tăng/17 mã giảm, cải thiện chút ít so với phiên sáng. Riêng nhóm Smallcap thì mạnh, chỉ số đóng cửa tăng gấp đôi phiên sáng với 0,86%. Tới 10/14 cổ phiếu đóng cửa giá kịch trần ở sàn HoSE chiều nay là thuộc nhóm Smallcap.

Các trụ hôm nay rất yếu.
Các trụ hôm nay rất yếu.

Điều khá bất ngờ là thanh khoản nhóm vốn hóa nhỏ này khá tốt, đạt 2.194,2 tỷ đồng. Trong hai phiên gần nhất rổ này đều khớp thành công hơn 2.000 tỷ/ngày. Nhóm kịch trần đều có thanh khoản trên 20 tỷ đồng – mức giao dịch thuộc loại cao của các mã thuộc rổ này – như CSV, TVS, LHG, BFC, VTO, VIP. Thậm chí VOS thanh khoản gần 143 tỷ đồng. Các mã như NHA, STK, PVP, MIG tăng hơn 3% giá trị với thanh khoản tốt.

Diễn biến nóng trở lại của nhóm cổ phiếu nhỏ cho thấy sự tham lam đang trở lại. Dù các blue-chips quá kém không thể khiến đà tăng bứt tốc được, nhưng dòng tiền mạnh lên ở các mã nhỏ là một thay đổi đáng chú ý. Tuần trước khi thị trường tăng tốt nhờ lực kéo của các mã lớn, giao dịch nhóm vốn hóa nhỏ khá nguội lạnh, chỉ có duy nhất phiên cuối tuần khớp quá được 2.000 tỷ đồng và trung bình tuần chỉ là 1.657 tỷ đồng/phiên. Trước đó tín hiệu rút lui của dòng tiền nóng đã có từ ngày 24-25/6 khi giao dịch đột ngột suy yếu. Giai đoạn đỉnh điểm của dòng vốn này là tuần thứ 2 của tháng 6 khi mức khớp lệnh trung bình mỗi ngày lên trên 3.000 tỷ đồng.

Hiện tượng chững đà của nhóm blue-chips khiến VN-Index phát tín hiệu gặp khó khăn trong vùng đỉnh cũ. Điều này có thể tạo áp lực tâm lý vì nhà đầu tư vẫn hay phân tích thị trường qua chỉ số này. Tuy nhiên tín hiệu từ dòng vốn vào nhóm đầu cơ lại thể hiện điều ngược lại: Nhà đầu tư vẫn đang hào hứng tìm kiếm cơ hội riêng lẻ, thậm chí mức độ hưng phấn rất cao khi đẩy giá tăng kịch trần hoặc tăng 3-4% chỉ trong một ngày.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay vẫn tiếp tục bán ròng thêm 295,7 tỷ đồng nữa, sau khi đã xả tới 1.921 tỷ đồng buổi sáng trên HoSE. Hôm nay là phiên bán ròng kỷ lục của khối ngoại kể từ đầu năm 2023 khi chỉ thua mức bán ròng 3.110 tỷ đồng ngày 13/1/2023 với thỏa thuận 3.387 tỷ đồng cổ phiếu EIB. Kể từ đó đến nay, hôm nay cũng là phiên duy nhất nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong một ngày.

Các mã bị bán đáng chú ý là HDB -499,9 tỷ, FPT -263,3 tỷ, STB -246,3 tỷ, SAB -196,6 tỷ, MWG -185 tỷ, MSN -161,1 tỷ, VRE -131,2 tỷ, SCS -120,7 tỷ, VHM -112,3 tỷ… Bên mua có VNM +116,6 tỷ, DCM +82,7 tỷ, NLG +36,4 tỷ, FRT +34 tỷ.

Xem thêm tại vneconomy.vn