Lợi nhuận ngân hàng có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng

Tăng trưởng tốt tại những ngân hàng có tín dụng cao

Hiện vẫn chưa có ngân hàng nào công bố cụ thể về kết quả kinh doanh và lợi nhuận quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2024. Song theo nhiều dự báo cũng như nhìn từ kết quả tăng trưởng về dòng tiền, huy động vốn, tín dụng… thì tình hình lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ là bức tranh có sự phân hoá.

Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MBS, biên lợi nhuận (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng trong quý 2 khả quan hơn so với quý 1 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh. Cùng với đó, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý 2 này.

Từ những phân tích trên, MBS nhận định, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank; một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như Sacombank, BIDV.

Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI cũng ước tính, nhiều ngân hàng được dự báo lợi nhuận tăng trưởng tích cực, thậm chí có ngân hàng ghi nhận mức tăng lợi nhuận lên tới 60% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng có ngân hàng chỉ tăng trưởng ở mức một con số, trong khi có 2 ngân hàng bị đánh giá sẽ có lợi nhuận giảm trong quý 2/2024.

Theo khảo sát điều tra xu hướng kinh doanh quý 3/2024 của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), các TCTD đánh giá, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và nhu cầu thanh toán) chỉ phục hồi nhẹ trong quý 2/2024, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng.

Hơn nữa, các TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý 2/2024, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả tại thời điểm quý 1/2024. Vì thế, nhận định về tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý 2/2024, các TCTD cho rằng có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý 1/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng của TCTD tại kỳ điều tra trước.

Kỳ vọng cải thiện trong quý 3 và cả năm 2024

Tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng tới 6%. Theo các chuyên gia, tín dụng cải thiện là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 70-75,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý 3/2024 và cả năm 2024. Trong năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 11% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 10,1% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Ngoài ra, các TCTD đánh giá yếu tố nội tại về chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá và dịch vụ chăm sóc khách hàng có ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh trong quý 2 và dự kiến cho cả năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có 5,6% TCTD lo ngại suy giảm kinh doanh từ các yếu tố về năng lực tài chính, khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm... Nhưng dự kiến cả năm 2024, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN được kỳ vọng là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD, tiếp đến là yếu tố về điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng.

Bên cạnh việc quan tâm đến kết quả doanh thu lợi nhuận, theo các chuyên gia ngành ngân hàng cần hướng tới phát triển bền vững với việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu TCTD, trong đó cần xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng thương mại cổ phần và doanh nghiệp sân sau của các thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại. Cơ quan quản lý cũng cần yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt cho vay tập trung các doanh nghiệp, dự án sân sau của tập đoàn. Cùng với đó là phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank, sắp xếp 3 ngân hàng thương mại mua lại 0 đồng và một số ngân hàng thương mại yếu kém khác.

Các chuyên gia cũng đề nghị cần chỉ đạo chặt chẽ tăng vốn điều lệ, tăng các tỷ lệ an toàn của các TCTD; cần có các biện pháp hữu hiệu đồng bộ quyết liệt xử lý nợ xấu. Các TCTD cần đẩy mạnh nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực quản trị rủi ro…

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn