Lợi nhuận ngân hàng khó bật tăng trong nửa cuối năm?

Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt kết quả thấp trong quý I/2024 với mức tăng 1,34% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều mức tăng 2,58% của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đến cuối quý II/2024, tín dụng tăng tốc mạnh. Với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II/2024, tín dụng đã tăng lên khoảng 6%, hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, riêng nửa cuối tháng 6/2024, tín dụng đã tăng vọt với mức tăng từ 3,79% (đến ngày 15/6/2024) lên mức 6% (đến ngày 28/6/2024) so với thời điểm cuối năm 2023.

Nhiều ngân hàng đã triển khai hàng loạt giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, song mức tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hóa rõ rệt. Theo đó, thị trường bất động sản ấm lên giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như Techcombank, LPBank, MSB, HDBank có tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với trung bình ngành. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều lần so với toàn ngành.

-8960-1723620832.jpg

Xu hướng phân hóa lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ còn tiếp diễn đến hết năm 2024

Theo FiinPro, thống kê 27 ngân hàng thương mại niêm yết, tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 118 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý II tăng 22%, cao hơn mức tăng quý I là 10%. Nhóm ngân hàng tiếp tục đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán với tỷ trọng 45%.

Nửa đầu năm 2024, lợi nhuận của các nhóm ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt. Các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất gồm: LPBank, VPBank, Techcombank, HDBank… Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có kết quả tăng trưởng âm như NVB, VIB, OCB, ABBank, PGBank, Saigonbank, chủ yếu do tín dụng tăng thấp và trích lập dự phòng cao.

Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), thu nhập lãi thuần của toàn hệ thống cả năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt khi tín dụng được đẩy mạnh với dư địa tăng trưởng còn lại là khoảng gần 9% trong nửa cuối năm. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng như: Mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ tiến độ giải ngân cho vay các doanh nghiệp sản xuất; các chỉ số vĩ mô có dấu hiệu khởi sắc thể hiện qua số liệu PMI, kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản ấm lên… và các chính sách, biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tiền gửi đạt kết quả thấp nhất trong nhiều năm qua. Theo đó, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,6 triệu tỷ đồng và riêng quý I/2024, tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm chỉ đạt 0,75%.

Tỷ suất biên lãi thuần (NIM) toàn ngành giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm và đạt khoảng 3,27%, so với mức 3,42% của cùng kỳ năm 2023 và 3,4% trong 6 tháng cuối năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay và tiền gửi đều đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2024. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm.

Xét trong toàn ngành, mặc dù lãi suất huy động đang chịu nhiều áp lực tăng hơn so với mặt bằng lãi suất cho vay tạo áp lực lên NIM. Tuy nhiên, các ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt có thể tiếp tục duy trì mặt bằng NIM ở mức cao. Ngoài ra, các chỉ báo kinh tế vĩ mô tín dụng có thể phục hồi trở lại ở phân khúc bán lẻ và duy trì tăng trưởng cao cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

So với các năm trước, thu nhập ngoài lãi hiện nay của các ngân hàng không thuận lợi bằng do mảng bancassurance, trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh và xu hướng miễn giảm phí để thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Tuy nhiên, Agriseco vẫn kỳ vọng vào con số tăng trưởng ổn định trong các quý cuối năm 2024 do mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 và sự khởi sắc của thị trường chứng khoán.

Agriseco đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại so với giai đoạn 2020 - 2023 trước áp lực NIM thu hẹp và tăng trích lập dự phòng.

Bên cạnh một số ngân hàng tăng trưởng mạnh từ nền thấp năm 2022, động lực tăng trưởng đến từ đẩy mạnh tín dụng nửa cuối năm trong khi thu nhập ngoài lãi duy trì ổn định. Theo Agriseco, một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã phân bổ từ đầu năm từ ngân hàng thương mại không có khả năng tăng trưởng hết chỉ tiêu đã giao sang ngân hàng thương mại cần thiết tăng thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng tích cực; Các kế hoạch tăng vốn dự kiến được đẩy mạnh triển khai thời gian tới; Các khoản thu nhập từ thu hồi, xử lý nợ xấu giúp hoàn nhập dự phòng tại một số ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi rõ nét.

Anh Đức

Xem thêm tại vnbusiness.vn