Tiền 'chảy' vào đâu khi lãi suất tiết kiệm tăng chậm?

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục tăng từ đầu tháng 4 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Với kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động từ 4-5%/năm; dưới 6 tháng từ 2-4%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại giúp lượng tiền gửi vào các ngân hàng tiếp tục ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng. Trước đó, số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, hồi tháng 1 tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm, song tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động.

Nếu như tháng 2 tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6% thì tháng 5 đã tăng lên mức 2,8%. Mới đây nhất, số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.

Tiền 'chảy' vào đâu khi lãi suất tiết kiệm tăng chậm? ảnh 1

Lãi suất tiết kiệm tăng nhưng vẫn duy trì mức thấp.

Báo cáo tài chính quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm nay của các ngân hàng cũng cho thấy, tiền gửi từ người dân vẫn tiếp tục gia tăng. Xét về giá trị tuyệt đối, 4 ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu về việc thu hút tiền gửi tiết kiệm. Agribank đến cuối tháng 6 đang có hơn 1,83 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng thêm khoảng 17.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,9% so với cuối năm 2023. Đầu tháng 8, Agribank đã nâng lãi suất ở nhiều kỳ hạn.

Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng Agribank 4,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm.

BIDV có tổng lượng tiền gửi đạt gần 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 102.300 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với cuối năm 2023. Tại VietinBank, số dư tiền gửi đến hết tháng 6 đạt gần 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4%, tương ứng tăng 56.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Duy chỉ có Vietcombank có tổng tiền gửi giảm 1,5% so với cuối năm 2023, đạt 1,37 triệu tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, MB ghi nhận nhiều tiền gửi nhất với số dư đạt hơn 618.617 tỷ đồng, tăng 9% so cuối năm ngoái. Vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Sacombank, ACB, Techcombank...

Đáng chú ý, tiền gửi tại LPBank tăng 21,4% trong nửa đầu năm, tương đương tăng thêm 50.700 tỷ đồng so cuối năm 2023. Tổng tiền gửi của MSB ghi nhận mức tăng gần 14,7%, tương ứng thu hút thêm 19.400 tỷ đồng; OCB có mức tăng trưởng tiền gửi 12,4%, tăng 15.600 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ ba yếu tố: Lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì mức tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Bởi việc giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Vì thế, lãi suất cho vay được nhận định sẽ tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ thời gian tới.

Theo các chuyên gia, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục (đến cuối tháng 6 tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 6%) khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tín phiếu, bán ngoại tệ giảm áp lực lên tỷ giá cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng, đẩy lãi suất tăng.

Xem thêm tại tienphong.vn