Vốn hóa sàn HoSE 'bốc hơi' 8,9 tỷ USD, nhiều chứng sĩ đu đỉnh, ngậm ngùi cắt lỗ và tắt App

Sau phiên giao dịch sáng tẻ nhạt với trạng thái rung lắc hẹp của VN-Index cùng với thanh khoản thấp, thị trường chứng khoán bất ngờ bị "đạp mạnh" trong phiên chiều và đóng cửa tại mức thấp nhất ngày. VN-Index giảm gần 23 điểm, về sát mốc 1.231.

Như vậy, ngay cả mốc 1.250 điểm - ngưỡng hỗ trợ tâm lý được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp chỉ số đảo chiều hồi phục cũng chính thức bị xuyên phá.

Sắc đỏ bao trùm các bảng điện tử với 674 mã giảm (38 mã giảm sàn), và chỉ 235 mã tăng giá. Công nghệ thông tin và cao su là các nhóm còn tăng nhẹ. 23 ngành còn lại giảm điểm trong đó có nhựa - hóa chất (-4,75%), chứng khoán (-3,26%), ngân hàng (-2,17%), bất động sản (-0,73%).

Phiên này, lực bán đã gia tăng trở lại ở nhóm cổ phiếu VN30 với 25 mã đỏ giá, VN30-Index giảm 20,6 điểm. Phần còn lại được đóng góp bởi một số midcap như VIX (-5,4%), TCH (-4,4%), VND (-1,9%), DXG (-2,5%), SMC (-6,8%), SBT (-3,4%), PET (-7%)...

Vốn hóa sàn HoSE 'bốc hơi' 8,9 tỷ USD, nhiều chứng sĩ đu đỉnh, ngậm ngùi cắt lỗ và đóng app
Diễn biến chỉ số VN-Index

VN-Index đã giảm 9 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần nhất kể từ thời điểm áp sát mốc 1.300 điểm ngày 10/7, tổng mức giảm là hơn 61 điểm (-4,75%). Xen giữa nhịp điều chỉnh này là phiên rút chân tăng 5,8 điểm ngày 18/7.

Tính chung sau hai tuần, vốn hóa sàn HoSE giảm 226.000 tỷ đồng (khoảng 8,9 tỷ USD, tính theo tỷ giá USD tại thời điểm viết) về mức 5.067.000 tỷ đồng. Riêng phiên giảm ngày 23/7 đã khiến vốn hóa sàn HoSE giảm 93.200 tỷ.

Mức giảm của VN-Index là mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 4. Tuy nhiên, con số -4,75% không phải quá lớn nếu so với mức giảm của hàng loạt cổ phiếu trong cùng thời điểm.

Cụ thể, cổ phiếu QCG giảm 35%, HVN giảm 34%, SMC giảm 25,5%, VIX giảm 19%, NVL giảm 16,5%, POW giảm 16%, DGC giảm 15,3%, TCH giảm 15%, DCM giảm 12,9%, DIG giảm 12%... Trong số này, việc xuống tiền tại các cổ phiếu đang neo tại vùng đỉnh nhiều năm (thậm chí đỉnh lịch sử) như POW, HVN, DGC, TCH khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng.

Vốn hóa sàn HoSE 'bốc hơi' 8,9 tỷ USD, nhiều chứng sĩ đu đỉnh, ngậm ngùi cắt lỗ và đóng app
Diễn biến một số cổ phiếu và VN-Index

Theo nhận định từ công ty chứng khoán, áp lực bán gia tăng cuối phiên và sự thờ ơ của lực cầu cho thấy dòng tiền còn đang chủ động đứng ngoài theo dõi trong bối cảnh chưa có tín hiệu ổn định trở lại. Sau nhịp tăng dài, nhiều cổ phiếu được kéo mạnh với định giá trở nên đắt đỏ, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 bắt đầu đi kèm với động thái "tin ra là bán".

Một số thông tin hiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là tỉ lệ cho vay ký quỹ và tiền chờ của các nhà đầu tư chứng khoán đang ở mức tương đối lớn. Thống kê của Fiintrade cho thấy, dư nợ cho vay margin từ báo cáo tài chính của 62 công ty chứng khoán (đại diện 99% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành) tại thời điểm cuối tháng 6 tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 218.900 tỷ đồng. Tỷ lệ đòn bẩy cao nhất lịch sử (9,4%).

Dư nợ cho vay margin tăng mạnh ở nhóm phục vụ khách hàng tổ chức và tăng chậm hơn (thậm chí giảm) ở nhóm công ty chứng khoán có tệp khách hàng cá nhân lớn.

Đáng nói, dù dư nợ cho vay tăng song thanh khoản thị trường trong quý II gần như đi ngang so với quý đầu năm; VN-Index thay vì được kéo vượt 1.300 điểm lại tiếp tục bị làm khó.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn